Friday, 2 April 2021

*** ÁNH XUÂN ĐẦM ẤM *** XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU


 

ÁNH XUÂN ĐẦM ẤM

TKN Thích Nữ Chân Liễu

-        Tại sao họ tài hơn tôi?

-        Tại sao họ giàu hơn tôi?

-        Tại sao họ đẹp hơn tôi?

-        Tại sao họ hạnh phúc hơn tôi?

-        Tại sao họ quyền thế hơn tôi?

-        Tại sao họ may mắn hơn tôi?  (Tell me why?)….

Hãy tưởng tượng ra một thế giới hoà bình, không có biên giới chia cắt các quốc gia và cũng không có sự chia rẽ và phân biệt giữa các tôn giáo, màu da hay sắc tộc. Cùng với việc đó, thể hiện mong muốn rằng xã hội loài người sẽ sống một cuộc sống, không chịu sự chi phối của lòng tham, đố kỵ, hơn thua và không có sự đau khổ vì vật chất hay áp bức cường quyền. Thiên đường cực lạc tại thế gian là đây.

Những câu hỏi do lòng đố kỵ, hơn thua, tranh chấp, sân hận …Ví như con người đang sống trong những tảng băng lạnh lẽo của mùa đông dài vô tận, một thế giới đầy tuyệt vọng và đau thương. Nếu như buông bỏ được quá nhiều câu hỏi “tại sao và tại sao…” làm chúng ta phiền não. Thì hãy chuyển những thành kiến tranh chấp ích kỷ, tạo ra do lòng tham lam danh lợi, trở thành sự mong cầu hạnh phúc  cho người, tán thán khâm phục vì họ giỏi hơn, giàu đẹp hơn, vui cùng người được gặp nhiều sự may mắn. Tức thì “Ánh xuân đầm ấm” đầy vui tươi, hạnh phúc trãi đầy trên thế giới như những cành cây đang đâm chồi nẩy lộc đơm hoa.     

ĐẠO PHẬT ĐEM LẠI ÁNH XUÂN ĐẦM ẤM

Thường khi mùa xuân, là sau mùa đông dài giá lạnh thời tiết cũng bắt đầu ấm dần, cảnh thanh bình vui nhộn, rực rỡ hoa màu xinh tươi, quần áo lụa là khoe sắc. Mùa xuân luôn được chào đón tưng bừng như món quà quí giá mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian, ai ai cũng mong muốn có phần riêng dành cho mình và cho gia đình mình. Đó chỉ là xuân của thế gian thường tình, dù là ở cảnh chùa cũng để tìm một chút ấm, một niềm vui, hay mong muốn tìm nghe vài lời chúc tụng xã giao, giả giả, thật thật cho qua ngày qua tháng mà thôi. Hình như ít có ai về chùa vào dịp “Tiết Xuân” để tìm hương vị của Phật Pháp hay vì muốn cầu nguyện cho thế giới hoà bình chúng sanh an lạc. (Chỉ là quá ít chứ không phải là không có).

Ánh xuân đầm ấm chân thật ví như hương vị giác ngộ được chánh pháp, giải thoát phiền não cho người biết tu theo Chư Phật Tổ dạy: “Là khi lúc sống con người còn khoẻ mạnh sáng suốt, còn minh mẫn, hãy giật mình tỉnh ngộ để thấy được sự vô thường, nhận ra sự biến đổi của hình tướng, bóng sắc vạn vật rồi cũng sẽ tàn lụn theo thời gian, biết nhân quả để tránh lạc vào tội lỗi chịu quả đau khổ ở kiếp sau. Bao thăng trầm của lịch sử, biến chuyển của xã hội, danh và lợi cùng những gian truân, nhọc nhằn, vui buồn, đau khổ hay hạnh phúc, tất cả cũng không còn gì cả, chỉ là những sự giả tạm ngắn ngủi ở thế gian”.

Sự chân chất của bản tâm thanh tịnh và an lạc ở người tu, là giữ cho không bị biến đổi thành tâm ma và dị tướng , không giả dối lừa gạt, không mộng tưởng điên đảo, không màu mè diêm dúa. Sống trong thật tướng và tâm bình dị đơn giản, không có gì phải hơn thua tranh chấp, cũng không có gì để khoe khoang. Đó mới thật sự chạm vào cửa ngỏ chân chánh của đạo Phật. Ánh sáng từ bi và trí tuệ, giáo lý thâm sâu của Đức Phật mới thật sự đưa nhân loại có được “mùa xuân đầm ấm” đầy an lạc đúng nghĩa.

Người thấm nhuần chánh pháp

Sống hạnh phúc an lạc

Với tâm niệm thanh tịnh

Người trí thường hoan hỷ

Được người lành kính yêu

Giữa tiếng đời khen chê

Người trí không giao động

Ma giới thường ghét bỏ. (Kinh Pháp Cú)

 

ĐẠO PHẬT KHÔNG DÀNH RIÊNG CHO AI CẢ

Thường khi người ta thấy chỉ có phụ nữ và người già đến chùa, nam giới và người trẻ ít đến chùa hơn, liền vội cho rằng đạo Phật chỉ dành cho người già, sắp lìa đời, không thích hợp cho giới trẻ. Thật ra, đạo Phật không dành riêng cho bất cứ tuổi nào, cũng không loại trừ phần tử nào trong xã hội, ai cũng có thể tìm về tu học. Người muốn chuyển hóa thăng hoa đời sống để được hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, phát huy ý thức tự do bình đẳng, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, điều nầy có thể là đặc biệt rất thích hợp cho giới trẻ. Đạo Phật rất thực tế, đưa con người tìm thấy đạo trong sự suy nghĩ sáng suốt và chân thật không có sự ép buộc hay cuồng tín ma mị.

Đạo Phật không bắt chúng ta nhất quyết phải tin, mà có quyền kiểm nghiệm lại xem điều nào đáng tin, điều nào không đáng tin. Thứ nhất, đức Phật thấy được con người từ vô số kiếp về trước đã từng sanh nơi này, nơi kia rồi mới đến đây. Chúng ta tự kiểm lại, xem mình có mang tính cách gì của quá khứ dẫn đến hiện tại không? Như trong một gia đình cùng cha cùng mẹ sanh ra, nhưng những người con có đứa sáng suốt thông minh, có đứa lại khù khờ u tối. Hoặc có đứa đẹp, có đứa xấu v.v… không giống nhau. Tại sao lại có sự sai biệt như thế?  

Tuy nhiên ở nước ta lâu nay lại tồn tại quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui  chùa”, coi việc đến chùa, học Phật chỉ dành cho những người cao  tuổi, không còn việc gì khác để làm. Lại nữa là nhiều Tự Viện thường ít quan tâm về truyền bá giáo lý của Đức Phật để khai ngộ Phật tử, nếu có cũng chỉ là khuyên cúng dường làm phước. Họ quan niệm già hay trẻ cũng thích đến Chùa vì các lễ hội cúng kiến cầu xin, nên bỏ nhiều công sức vào việc làm hoàng tráng lễ hội và đem ca hát vui chơi ồn ào náo nhiệt, có khi lạc vào con đường mê tín sai lầm cho cả người xuất gia và tại gia. Sự việc dùng phương tiện dẫn dắt Phật tử về Chùa cách nầy làm cho độc tố ma sự khó mà giải nổi. Quan niệm như thế thật quá sai lầm.

Còn những người đợi đến tuổi già, thân thể bệnh tật, tâm trí lu mờ mới tìm đến cảnh chùa, vài phút giây cầu xin và vui chơi giúp ích gì cho họ?.. Không tìm được sự thanh tịnh, cũng không thấy được ánh sáng Phật pháp, khi ra đi có được nhẹ nhàng thanh thản hay hoảng loạn mờ mờ mịch mịch, không hiểu rồi họ sẽ về cảnh giới lành hay dữ. Lỗi nầy do đâu, trách nhiệm ở ai ? Khi đó thật quá muộn rồi ! Tìm đâu ra thánh Tăng bây giờ đây.

Từ xưa nay lễ hội đều có tính cách phương tiện đưa bá tánh đến cửa chùa để quí chư Tăng Ni giảng dạy chánh pháp. Các hình thức nghi lễ hay lễ hội đều chưa phải là chánh pháp. Vậy chánh pháp là thế nào, làm sao các Phật tử nhận biết được và đâu là nơi tu học chân thật? Chỉ có tự thân chúng ta tha thiết mong muốn thấy được con đường sáng mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ dạy. Dùng khả năng tự lực để tìm được sự giác ngộ giải thoát, thì mới mong sau khi bỏ thân kiếp nầy không rơi vào cảnh giới đau khổ luân hồi mà thôi.

Muộn màng hơn nữa có người thành hũ tro cốt vô hồn, hay nằm trong quan tài mới được nghe tụng kinh niệm Phật, hy vọng vãng sanh cực lạc. Đạo Phật không dành riêng cho độ tuổi nào cả, thích hợp cho mọi hoàn cảnh, không có sự phân biệt trong giai cấp, càng tìm đến với chánh pháp càng sớm, càng có nhiều thời gian tu tập. Các bậc thiện tri thức trong đạo thường khuyên tu mau kẽo trể chính là nghĩa này vậy.

Trong kinh sách, Ðức Phật có dạy: chúng ta được thân làm người như hiện nay rất là khó. Bởi vì do nghiệp lực dắt dẫn, chúng ta đã từng trôi lăn nhiều đời nhiều kiếp trong sáu nẽo luân hồi. Ðó là: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta đã từng chịu đựng khổ đau không biết cơ man nào mà kể cho xiết, qua các cảnh giới trong ba đường khổ. Bây giờ chúng ta hãy lắng lòng, phát nguyện tu học, phát triển trí tuệ bát nhã sáng suốt vi diệu, để phá tan màn vô minh che phủ tâm trí của chúng ta tự bấy lâu nay. Cho đến một ngày nào đó, gần hay xa tùy theo công phu tu tập, chúng ta sẽ được giác ngộ và giải thoát, sẽ được thoát ly sanh tử luân hồi, sẽ được hưởng cảnh giới cực lạc, cảnh giới Niết bàn.

Đầu xuân xin đốt nén tâm hương cầu nguyện thế giới hòa bình không còn đau khổ, chúng sanh luôn được sống trong tình thương yêu đầy an lạc của Chư Phật, chư Hiền Thánh Tăng. Kính chúc quí vị, ngày an lành, đêm an lành, sáu thời đều an lành. Một mùa xuân đầm ấm, một mùa xuân giác ngộ đầy đạo vị.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT



      XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU

 TKN Thích Nữ Chân Liễu

Nhân dịp đầu năm, đi chùa lễ Phật, nhìn thấy muôn hoa đua nở, vẻ đẹp tao nhã của thiên nhiên như lời chúc phúc tốt lành đến với tất cả mọi người. 

Một sức sống vui tươi vô cùng kỳ diệu khi nhìn cảnh sắc xinh tươi của "Mùa Xuân", tâm tình ai ai cũng cảm thấy phấn khởi và hoan hỷ đón mừng mùa xuân an lạc hạnh phúc, cát tường như ý. Hương xuân làm con người lạc quan yêu đời, cũng là thời gian mà người tu tâm dưỡng tánh có thể chuyển mình tự đứng lên, vượt thoát quá khứ nhiều phiền não, nhìn về tương lai đầy hứa hẹn.

Đệ tử Phật gia ai ai cũng mong ước được vô lượng an lạc, vạn sự cát tường, Phật sự hanh thông, Phật đạo viên thành và đạt được mùa xuân miên viễn, như những lời chúc đầy đạo vị mỗi khi xuân về.

Mong ước đạt được những điều chúc tụng đầy ý nghĩa trong dịp xuân về, người con Phật nên hiểu rõ ràng về giáo lý nhân quả và sự thực hành đúng chánh pháp, áp dụng giáo lý đạo Phật trong đời sống hằng ngày. 

Điều quan trọng vô cùng sâu sắc của Phật pháp, thể hiện qua giá trị nhân cách sống cao thượng chân chánh của người tu, đó chính là "Xuân trong nét đẹp của người tu", kết quả là sự an lạc cát tường như ý, không mong cầu cũng luôn luôn hiện hữu. 

NÉT ĐẸP CỦA 

NGƯỜI TU XUẤT GIA 

Theo sự tích của Đức Phật, hình ảnh thanh tịnh, từ tốn, bước chân an lạc xuất trần của một vị Sa môn, cùng tấm áo cà sa đơn giản, đầu trần chân đất, cuộc sống ung dung tự tại đã làm Thái Tử Tất Đạt Đa xúc động. Xuất thân từ cung vàng điện ngọc, địa vị cao sang quyền quí tột đỉnh, nhưng cuộc sống của vị Sa môn Cồ Đàm đơn giản thuần khiết, cơ cực khổ hạnh thể hiện qua một con người siêu việt xuất thế. Đức Phật là nét đẹp đạo hạnh đầy đủ "Từ bi và Trí tuệ". Sự kính phục tuyệt đối của nhân loại về chân lý đạt đến cứu cánh giải thoát sanh tử, ngàn đời nay đến đời sau đối với Ngài là vô cùng vô tận.

Sống trong giới pháp của Đức Phật, người tu xuất gia không phải bận rộn miếng cơm manh áo, không lo toan chuyện thị phi thế gian, là đang được hưởng gia tài của cha lành Thế Tôn để lại. Trên bước đường hành đạo, có nhiều chông gai trắc trở, đồng thời cũng có nhiều cám dỗ của vật chất danh lợi trong giai đoạn tự chế ngự bản thân, đó là thử thách, rèn luyện công phu tu tâm dưỡng tánh.

Đối với mùa xuân mỗi năm qua mau, kiếp sống con người thật ngắn ngủi, nếp sống thanh tịnh trầm mặc của các vị tu sĩ là khép lại bớt lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. 

Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình. 

Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt. 

Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ.

Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.

Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi. 

Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.

Chứng thực cho sự giải thoát của con người, là được sống thảnh thơi trong an nhàn, tâm an tĩnh, trí sáng suốt, rời xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống thường ngày, rời xa vòng danh lợi thế gian, thoát khỏi bể khổ trầm luân. Ấy chính là khi Tâm ta hoàn toàn an tĩnh.

"Nét đẹp của người xuất gia" không phải là hình tướng khác thường bên ngoài, không phải mũ cao, áo thêu áo gấm, đủ màu đủ sắc. Xuân đối với người xuất gia là cái đẹp trong sáng ở nội tâm, khi Tâm thanh tịnh, rời xa được lòng tham lam, sân hận, si mê, nhân cách thuần hậu, nguyện đem lợi lạc cho mình cho người.

Tâm hạnh người xuất gia cao thượng chân thật vô ngã vị tha, ắt sẽ đạt đến Niết bàn vô lượng an lạc, đó là "Xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia", cũng là giá trị hạnh phúc bất tận cho người tu ngay tại thế gian.


NÉT ĐẸP CỦA

NGƯỜI TU TẠI GIA 

Đạo Phật không đòi hỏi mọi người đều phải lên Chùa để tu, cầu Kinh sớm hôm và hàng ngày phải ăn chay khổ hạnh hay buộc phải hoàn toàn cắt đứt tất cả tình thương với người thân, mới gọi là biết tu.

Ý nghĩa của chữ TU là tu tâm sửa tánh. Đức Phật dạy: "Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất". 

Khi những vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch, thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê. Kết quả thực tế, cũng là phần thưởng cho những cố gắng, nổ lực không ngừng của người tu tại gia, trước mắt là những  chuỗi ngày hạnh phúc, vui vẻ, đầy an lạc.

Một người yếu đuối sợ khó khăn, tâm tánh ích kỷ, thích mơ mộng danh lợi, đòi hỏi nhiều về thú vui vật chất riêng bản thân, muốn một cuộc sống "tu tại gia" không dễ dàng thực hiện được. Một ví dụ, như làm cha mẹ muốn tu tại gia, vừa trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho gia đình, cho các con, lại còn phải hộ trì Tam Bảo, tu học Phật pháp, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, tự soi rọi thanh lọc tâm, không phải ai cũng làm được. Nếu thực hành vẹn toàn được công phu "tu tại gia", người tu luôn luôn chịu hy sinh rất nhiều cho riêng bản thân mình, tâm ý cao thượng khó làm khó thực hiện, nhưng đó chính là môi trường tu tâm dưỡng tánh tuyệt vời nhất.

Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, nghĩa là áp dụng tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả, khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kềm chế thú vui vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen. Người tu tại gia tự độ và còn có thể độ được cho những người thân trong gia đình và làm tấm gương  cho con cháu noi theo. Sống biết đủ, không đòi hỏi nhiều, không bận rộn vào cuộc vui vô nghĩa, người "tu tại gia" sẽ có rất nhiều thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển, tu học để khai sáng trí tuệ, trưởng dưỡng từ bi.

"Nét đẹp của người tu tại gia" là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ Tát tại gia vô chấp vô phân biệt, vượt qua được hình tướng xuất gia, nhưng vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.

Người "tu tại gia" có thể đem lại cho mình, cho những người thân sống chung quanh sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ. Đó là ý nghĩa vi diệu tuyệt vời "Xuân trong nét đẹp người tu tại gia", ngay từ những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hằng ngày.

Tóm lại, mùa xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia hay tại gia là ở tâm hạnh của Bồ Tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung.

 Được gần các "Bậc Thiện Nhân" con người sẽ cảm nhận vô lượng an lạc hạnh phúc, như được hưởng gió mát và ánh nắng ấm áp, đầy đạo vị của những cánh hoa xuân tươi đẹp.

- Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp.

- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.

- Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp.

- Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.

- Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp.

- Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.

- Không khởi tà niệm, tâm luôn chánh trực, đó là ý đẹp.

- Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.

- Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.

- Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.

Mùa xuân tuyệt đẹp với một tâm thức an bình tự tại, người biết tu hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi, thấy được Phật tánh không sanh, không diệt của mình, để ngộ ra "ý xuân vi diệu" này.

Có như vậy, ta mới có thể thanh thản sống đời, không tự ti cũng không tự tôn, với cái nhìn tự tại, vô úy giữa muôn sự có không, đúng sai, hơn thua, được mất, vinh nhục.

Ở thế gian tất cả các pháp sanh diệt đều là vô thường.

"Mùa xuân trong nét đẹp người tu" mới thật sự đem lại thân tâm an lạc, phước trí trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện, vạn sự cát tường. []

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT



  Xin đừng hiểu sai v Đức Phật
 Chánh Pháp Thịnh
 
Phật là tiếng xưng hô đơn giản nhưng lại bao hàm ý nghĩa về nhân cách. Đức Phật vốn tên là Tất-đạt-đa, họ là Gô-ta-ma, sau khi xuất gia tu hành được mọi người gọi là Thích-ca-mâu-ni, nghĩa là Thích ca tộc ẩn. Sau khi giác ngộ, mọi người gọi là Phật-đà gọi tắt là Phật có nghĩa là người giác ngộ chân lý. Như vậy, Phật chỉ là tên gọi chung những người đã giác ngộ.

Người người đều có thể thành Phật, ở đâu cũng có Phật, không phải chỉ thế giới này mới có Phật mà vô số các tinh cầu trong vũ trụ đều có thể có Phật (đương nhiên có cả chúng sinh)

Phật và chúng sinh đều là những người bình thường. Phật có thể tu hành ngộ đạo thì ngàn vạn chúng sinh cũng có thể tu hành ngộ đạo (tức là ngộ ra đại đạo nhân sinh trong vũ trụ)

Lục tổ Huệ Năng giải thích Phật qua câu trả lời : “Vô Phật, vô tổ, Đạt-ma là miếng thịt thối, Thích ca Mâu-ni, một nắm phân khô, Văn Thù, Phổ Hiền là kẻ gánh phân”

Mới nghe câu trả lời, ai cũng nghĩ Huệ Năng chẳng biết trời cao đất dày là gi, dám phủ định Phật. Nhưng chính câu trả lời phản ánh một người thấu triệt, lĩnh hội cái huyền cơ của Phật tính
(bản tâm là Phật, bản tính cũng là Phật), mục đích là để ai nấy hiểu rằng mình có thể thành PHẬT.

Đức Phật: người thầy, còn thầy thế nào là nhờ bạn đánh giá dùm.
Đây chỉ là một người thầy dạy cách diệt trừ lậu hoặc cho loài người. Kinh thứ 12, Lohicca, thuộc Trường Bộ kinh, cho biết có 3 hạng đạo sư đáng bị khiển trách là:
-      Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, lại còn để cho học trò không chú tâm học hỏi, sống phóng dật.
-      Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, học trò có chú tâm học hỏi nhưng lại sống trái ngược với giáo pháp giảng dạy.
-      Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, học trò chú tâm học hỏi nhưng lại không sống theo những điều đã nghe thuyết giảng.

Đức Phật tự nhận mình là một đạo sư không đáng bị chỉ trích hay bị khiển trách vì đã thành tựu quả vị A-la-hán, các đệ tử của Ngài đều chú tâm học hỏi và thực hành giới định tuệ hướng đến kết quả thù thắng của hạnh sa môn.

Kinh thứ 12, Đại sư tử hống, thuộc Trung Bộ kinh viết về các năng lực và trí tuệ siêu phàm của đức Phật như sau:
-      Sa môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy có khả năng hướng thượng, dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.
-      Ngài có đầy đủ khả năng siêu việt như lục thông, tam minh. Ngài có đầy đủ 10 như lai lực là:

1.    Biết rõ xứ và phi xứ
2.    Biết rõ quả báo tuỳ thuộc nhân duyên các nghiệp quá khứ, hiện tại và vị lai.
3.    Biết rõ con đường đưa đến các cảnh giới.
4.    Biết rõ thế giới với nhiều cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều căn tánh khác nhau.
5.    Biết rõ chí hướng sai biệt của các chúng sanh.
6.    Biết rõ căn tánh cao thấp của con người và các loài hữu tình.
7.    Biết rõ sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh và sự xuất ly về thiền, giải thoát và định.
8.    Thành tựu túc mạng minh nhớ đến nhiều kiếp quá khứ.
9.    Thành tựu thiên nhãn minh thấy rõ quả báo tái sanh khác nhau của các loài chúng sinh tuỳ thuộc nghiệp lực.
10. Thành tựu lậu tận minh thấy rõ bốn thánh đế và các lậu hoăc, hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến.

Đức Phật là người bằng xương bằng thịt duy nhất trên thế gian này biết cách khám phá thế giới bên trong. Trong hơn 45 năm thuyết giảng độ chúng sinh, Ngài đã dạy cho hàng vạn người tự mình giải thoát mình ra khỏi phiền não, khổ đau và sợ hải để lại cho đời những pháp môn chuyển hoá một con người bình thường trở thành người siêu phàm với các lục thông, tam minh khiến nhiều người coi là thần thánh. Chính đức Phật cũng bị coi là thần thánh, điều mà lúc sinh thời, Ngài triệt để bác bỏ.

Kinh Giáo huấn vắn tắc của Phật lúc sắp nhập diệt do Hoà thượng Trí Quang dịch là một phần trong bộ Kinh Nguyên thuỷ đã viết:

“Trong rừng sala, giữa cây song thọ, đức Phật sắp nhập diệt, Ngài đã vì đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp: “Này các tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải tôn kính tịnh giới như mù tối mà được sáng mắt…Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự 5 thứ giác quan, không cho phóng túng vào 5 thứ dục lạc. Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát nên Như Lai mệnh danh là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và nhờ giới mà trí tuệ có năng lực huỷ diệt thống khổ. Thế nên, các thầy tỳ kheo hãy giữ tịnh giới đừng cho vi phạm thiếu sót…
Năm thứ giác quan do tâm chủ động vì vậy mà các thầy phải thận trọng chế ngự tâm mình…hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình”.

Các thầy tỳ kheo thọ dụng đồ ăn thức uống hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cho khỏi đói khát…Ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, nữa đêm lại phải tụng niệm để tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi”.

Này các thầy tỳ kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm mình đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dử nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Thực hành đức nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh…

Các thầy tỳ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều thì  nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều…Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thãn, không lo sợ thiếu thốn.

Muốn giải thoát khổ não thì các thầy phải biết vừa đủ. Không biết vừa đủ thì bị 5 thứ dục lạc lôi kéo.
Muốn cầu yên tỉnh vô vi và an lạc, các thầy hãy ở đơn độc và ở một cách thư thái và thanh vắng.

Này các thầy tỳ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tiến nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì hãy đắp đê sửa bờ cho khéo, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định.

Này các thầy tỳ kheo, có trí tụê thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền vững chắc nhất vượt biển sinh lão bệnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa sắc chặc cây phiền não…

Như Lai như vị lương y, biết bệnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y, lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường lối cho người, nhưng thấy rồi mà không đi thì không phải lỗi của người chỉ đường.
Này các thầy tỳ kheo, đối với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cần giải đáp. Thế Tôn nói lên 3 lần như vậy nhưng không ai chất vấn vì lẽ chư tăng không có ai hoài nghi nữa.

Này các thầy tỳ kheo, chánh pháp tự lợi lợi tha đã có đầy đủ, Như Lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Từ nay về sau, đệ tử của Như Lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường trụ bất diệt. Thế nên, các Thầy tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả.

Cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không một thứ chi bền bỉ. Như Lai diệt độ  thì cũng như trừ được vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này. Thôi các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa, thì giờ sắp hết. Như Lai muốn diệt độ.”

Lời trăn trối sau cùng nào cũng là lời di huấn đầy lòng nhân ái huống chi người đó lại là đức Phật. Bạn hãy đọc lại một lần nữa đi: chánh pháp tự lợi, lợi tha đã có đầy đủ, coi chừng lấy tà pháp làm chánh pháp.

Bốn chân lý hay “tứ diệu đế” hay “tứ thánh đế” được nói đến sau cùng và được nhắc đến 3 lần cho thấy tầm quan trọng của giáo pháp này trong việc tu tập. Đây là chìa khoá mở cánh cữa đi vào thế giới bên trong mà bát chánh đạo thuộc chân lý thứ tư <đạo đế> là kim chỉ nam giúp mỗi người tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa nơi mình, không nương tựa vào bất cứ gì để tự giải thoát lậu hoặc. Phải hiểu rõ từng câu, từng chữ ý nghỉa của bốn chân lý thì mới tu tập có được tự lợi, lợi tha.


1***TỪ QUANG MÙA AN CƯ

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/06/tu-quang-mua-cu.html

2***SEN HỒNG MỘT ĐÓA

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/02/ni-truong-nhu-thanh-sen-hong-mot-oa.html

3***DIỆU ĐẠO NAN CẦU

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/06/dieu-ao-nan-cau.html

4***CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/02/chuoi-ngoc-tran-bao-phap-thi.html

5***ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT - CÀNH HOA SEN MÀU XANH

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/01/ai-chi-bo-tat-canh-hoa-sen-mau-xanh_18.html

6***SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/03/suoi-nguon-binh-ang-tanh-trong-ao-phat.html


 

No comments:

Post a Comment