Monday, 15 February 2021

*** HẠNH BỐ THÍ TRONG ĐẠO PHẬT

 


HẠNH BỐ THÍ

TK Thích Chân Tuệ

Trong vô lượng pháp môn tu theo đạo Phật, bố thí là hạnh tu chủ yếu mà mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát dạy chúng ta thực hành, để đem lại ích lợi, đem lại an lạc cho tất cả chúng sanh, ngay trên thế giới ta bà này. Bố thí là hạnh tu hàng đầu trong "Lục Ðộ Ba La Mật", gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. 

Bố thí cũng là hạnh tu hàng đầu trong"Tứ Nhiếp Pháp", gồm có: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Người theo đạo Phật cần nên biết nhiều về hạnh bố thí, để thực hành đúng theo Chánh Pháp, để thực hành một cách liên tục, một cách hoan hỷ, để được phước báu vô lượng vô biên, để đem an lạc và hạnh phúc cho mình và cho mọi người.  

Trước hết, bố thí có nghĩa là cho một cách rộng rãi. Cho một cách rộng rãi có hai nghĩa: một là cho tất cả mọi thứ, đến tất cả mọi người; và hai là, cho với tất cả tấm lòng rộng rãi, không kỳ thị, gọi là "bất tùy phân biệt". Chúng ta sống trên thế gian này gặp nhiều phiền não và khổ đau, từ nhiều nguyên do, trong đó lòng tham lam là yếu tố hàng đầu. Do lòng tham lam, ích kỷ, con người không bao giờ thấy đủ, luôn luôn nghĩ đến bản thân mình. Có được chín đồng con người cố gắng kiếm thêm cho đủ mười đồng, để dành khi hữu sự cần đến, hay để dưỡng lão mai sau. Ðến khi đã được chín trăm ngàn rồi, con người vẫn cố làm việc, cố dành dụm, cố đấu tranh, cố giành giựt, bất chấp thủ đoạn, để có nhiều thêm nữa, để thành triệu phú, dù rằng lúc đó tuổi tác đã già nua, gần đất xa trời, vẫn không thức tỉnh. Ðó là lòng tham lam tiền tài, của cải. 

Lòng tham danh, háo danh cũng thúc đẩy, sai khiến nhiều ông bà già tiếp tục bon chen trên đường đời, tiếp tục giở những thủ đoạn bất chánh bất lương, những tuyệt chiêu điêu luyện, những kinh nghiệm hại người, để đoạt cho kỳ được, giữ cho thực lâu, các chức vụ hay danh vị nào đó, trong các tổ chức bất vụ lợi trá hình, đôi khi đó chỉ là các chức dỏm, danh hàm, danh hão mà thôi, chẳng có chút giá trị nào cả. Lòng tham lam luôn luôn thúc đẩy con người đấu tranh, giành giựt, bất chấp thủ đoạn, thì làm sao cuộc sống thực sự được an lạc và hạnh phúc?

Người hiểu hai chữ "tri túc" là người biết an phận với những gì đang có, biết cần kiệm, biết sống một cuộc sống đơn giản, an nhàn, trong sạch, thanh bạch, chính là người được an lạc và hạnh phúc lớn nhất trên đời. Nếu chúng ta không có những gì mình thích thì chúng ta hãy thích những gì mình đang có. Ðược như vậy, cuộc đời đâu còn gì gọi là khổ đau.

Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy:

Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc.
Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc bất xứng ý.

Nghĩa là người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng thấy an vui hạnh phúc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân xác ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn! 

Sách cũng có câu:

Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.

Nghĩa là nếu biết thế nào là đủ thì tức thời thấy đủ, biết thế nào là nhàn thì tức thời thấy nhàn. Như vậy đầy đủ và an nhàn thực ra rất cần thiết, rất quan trọng cho cuộc đời, nhưng chúng ta không bao giờ đạt được đầy đủ và an nhàn, nếu không chịu "biết đủ, biết nhàn". Bởi vậy, cho nên đức Phật dạy pháp bố thí, để dẹp bớt, để dứt trừ lòng tham lam, ích kỷ, đòi hỏi, bỏn sẻn, keo kiệt, bần tiện của con người. Hạnh bố thí gồm có ba thứ: tài thí, pháp thí và vô úy thí. 

1) TÀI THÍ: 

Về tài thí có hai phần: nội tài thí và ngoại tài thí. Chúng ta có thể cho những gì bên ngoài thân thể, như là tiền bạc, của cải, cơm gạo, quần áo, thuốc men, vật chất nói chung, gọi là "ngoại tài thí". Khi thực hành ngoại tài thí, chúng ta cần chú ý các yếu tố đúng người, đúng thời và đúng lượng. Chẳng hạn, người nào cần tiền bạc, chúng ta giúp tiền bạc, người nào cần thuốc men, chúng ta giúp thuốc men và chỉ giúp lúc cần thiết, với số lượng hợp tình, hợp lý mà thôi. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc quá nhiều, có thể làm cho người nhận sanh tâm ỷ lại, sanh lòng lười biếng, không thích làm việc, không chịu cực khổ, không kham nổi những khó khăn trong cuộc sống, chỉ biết nằm chờ viện trợ từ kẻ khác mà thôi. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc có thể đưa đến chuyện hại người, nếu chúng ta không biết người nhận sẽ xử dụng số tiền đó với mục đích sai lạc, mục đích xấu.

 Chúng ta có thể đem cho những gì thuộc về thân thể, thân mạng của mình, các bộ phận trên cơ thể như là mắt, tim, gan, phèo, phổi, gọi là "nội tài thí". Ðiều này khó thực hiện được khi còn sống, nhưng chúng ta có thể làm được khi vừa mới tắt thở. Có rất nhiều người dù không theo đạo Phật, không hiểu giáo lý đạo Phật, nhưng họ đã ký sẵn giấy cam đoan cho các bộ phận trên cơ thể, hoặc cho luôn thân xác của họ, cho bất cứ ai cần đến, hoặc cho các viện nghiên cứu, để giải phẩu, học hỏi, tìm hiểu, ngay khi họ vừa mới tắt thở. 

Ðiều này giúp chúng ta hiểu rằng, trong tận cùng thâm tâm của mỗi con người, "thiện tâm" đều giống nhau, ai ai cũng có, không phân biệt con người theo bất cứ tôn giáo nào trên thế gian này.

Ngày nay, chúng ta ít người thực hành nổi hạnh bố thí thân mạng như người xưa, nhưng chúng ta có thể dùng thân mạng để làm những việc ích lợi cho người, như công quả trong chùa, góp công sức trong các cuộc lạc quyên cứu giúp người gặp nạn bão lụt, gặp hỏa hoạn, làm việc thiện nguyện giúp người khó khăn, khốn khổ. Thực ra, từ xưa đến nay, trên thế gian này, có biết bao nhiêu người sẵn lòng xả thân cứu người, nhiều khi gặp hiểm nguy đến tánh mạng. Ðó cũng gọi là nội tài thí.  

2) PHÁP THÍ:

Về pháp thí có hai nghĩa: một là, đem cho tất cả mọi việc, đem cho tất cả các pháp trên thế gian này, và hai là, đem cho giáo pháp của Phật, còn gọi là Phật Pháp. Chúng ta có thể cho tất cả những gì không thuộc phần nội tài thí và ngoại tài thí nói trên. Chẳng hạn như chúng ta có sở học, có kiến thức, có sự hiểu biết về một vấn đề nào đó, về một phương diện nào đó, về một ngành nghề nào đó, chúng ta có thể đem ra chỉ bảo, hướng dẫn, truyền dạy, giúp đỡ cho người, một cách bất vụ lợi, không mong cầu báo đáp, không kể lể ơn nghĩa. Việc này bất cứ ai cũng có thể làm được, không tốn đồng xu cắc bạc, chỉ cần tấm lòng vị tha, chỉ cần tấm lòng thực sự "vì người quên mình" mà thôi. 

Ðối với hàng tu sĩ xuất gia, hay cư sĩ tại gia, có học hiểu và thực hành giáo pháp của Phật, đem ra giảng giải cho mọi người được biết để áp dụng, để xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời, giúp mọi người hiểu được chân lý, để giảm bớt phiền não và khổ đau. Theo nghĩa này, pháp thí là điều quan trọng hơn cả. Tại sao vậy? Bởi vì, khi chúng ta giúp người về vật chất, như tiền bạc, cơm gạo, có thể làm cho người được qua cơn khó khăn trong ngắn hạn, trong một thời gian nào đó mà thôi. Khi chúng ta giúp người về tinh thần, như dạy chữ, dạy nghề, hướng dẫn cách sống đúng phép vệ sinh chẳng hạn, có thể làm cho người được qua cơn khó khăn, trong một thời gian nào đó, thậm chí có thể giúp họ sống vui, sống khỏe trọn một đời này mà thôi. 

Còn nếu chúng ta có học hiểu và thực hành giáo pháp của Phật, còn gọi là Phật Pháp, đem ra giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống, chẳng những có thể giúp con người sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, ngay kiếp này, cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau, vĩnh viễn muôn kiếp. Bởi vậy cho nên, Ðức Phật dạy hàng Phật Tử tại gia "pháp cúng dường" chư Tăng Ni, để các vị xuất gia không phải lo chuyện sinh sống, yên tâm tu hành thanh tịnh, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, rồi đem ra giảng giải cho mọi người được biết, được hiểu một cách rõ ràng, để áp dụng tu hành theo đúng Chánh Pháp. Pháp cúng dường như vậy là thanh tịnh nhất, dành cho các bậc chân tu thanh tịnh. Ðó là một dạng khác của sự bố thí.

Tuy nhiên, không phải giáo pháp luôn luôn cần hơn cơm gạo, hoặc ngược lại, không phải cơm gạo luôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. 

Trong kinh sách, gọi đó là "tùy duyên", nghĩa là tùy theo trường hợp, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo con người. Trong một buổi Ðức Phật thuyết pháp, có một người nghèo khó đến dự. Ðức Phật liền bảo dọn cơm cho người đó ăn, xong rồi mới giảng pháp cho nghe sau. Khi nghe xong thời pháp đó, người nghèo khó ngộ đạo, chứng ngay quả tu đà hoàn, phát tâm qui y Tam Bảo. Do đó, ngày nay chúng ta có câu "có thực mới vực được đạo", nghĩa là phải được tạm no lòng, mới hy vọng hiểu được đạo lý cao siêu. Chúng ta không thể đem giáo pháp cao siêu ra giảng dạy cho những người đang đói khổ, đang cần cơm gạo trước hết. Cũng như không thể đem giáo pháp tối thượng dạy ngay cho người sơ cơ, mới học đạo. Nhu cầu tại thế gian của con người đi từ vật chất đến tinh thần, rồi sau đó mới bàn đến chuyện tâm linh xuất thế gian.

3) VÔ ÚY THÍ: 

Về vô úy thí thì có nhiều nghĩa rộng rãi, cao siêu hơn. Vô là không, úy là sợ, thí là cho. Vô úy thí là đem cho sự không sợ hãi. Hay nói cách khác, vô úy thí là làm sao giúp đỡ cho con người bớt sự lo âu, giảm thiểu phiền muộn, hay không còn sợ hãi. Con người sống trên thế gian này có rất nhiều điều lo lắng, âu sầu, phiền muộn, hay sợ hãi. Nào là sợ thiếu tiền, sợ thiếu ăn, sợ thiếu mặc, sợ bệnh hoạn, sợ thiên tai, sợ mất công ăn việc làm, sợ mất hạnh phúc gia đình, sợ đủ-mọi-thứ-chuyện trên trần đời. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của con người chính là sợ chết! Tự cổ chí kim, từ người nghèo hèn cho đến người sang trọng, từ người bình dân cho đến người học thức, từ người trẻ cho đến cụ già, từ người thường dân cho đến vua quan hay hàng quí tộc, từ giới phàm phu tục tử cho đến các bậc hiền triết thánh nhơn, nào có ai tránh được cái chết đâu, mặc dù con người vốn tham sinh úy tử, ham sống sợ chết! 

Con người thường hay nghĩ "đời còn dài", cho nên chỉ bận tâm đến chuyện mưu sinh, chuyện tranh danh đoạt lợi, chuyện đấu tranh tranh đấu, chuyện hơn thua thị phi, đúng sai phải quấy, đủ thứ chuyện linh tinh lang tang. Ðến khi sắp từ giã cuộc đời, mới giựt mình tỉnh giấc, thì đã quá muộn màng! Thực ra, con người có thể chết bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi nào. Vô úy thí có nghĩa là giúp người qua cơn sợ hãi mọi thứ, bớt sự lo lắng mọi điều, trong tâm trí, qua các biến cố, trước các điều hiểm nguy, và còn có nghĩa là: chúng ta không nên gây não phiền, không nên gây bực dọc cho bất cứ ai, để yên cho mọi người được sống cuộc đời an vui, yên ổn, dù cho họ là người thân hay kẻ thù. Ðó chính là tâm lượng "bất tùy phân biệt".  

Còn đối với sự sợ chết, chúng ta khuyến hóa mọi người tu hành, cầu đạo giải thoát. Bởi vì chỉ có giáo pháp của Ðức Phật mới có thể chỉ bày cho con người hiểu rõ ràng, tường tận "pháp vô sanh", tức là chỉ dạy đường lối tu hành để giải thoát khỏi mọi thứ phiền não và khổ đau, không còn sanh tử luân hồi nữa. Ðạo Phật không phải chỉ có hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi. Thực hành hạnh vô úy thí còn có nghĩa là giúp chúng sinh khắc phục tư tưởng khiếp nhược, sợ hãi, tự ti mặc cảm yếu hèn, giúp chúng sinh hiểu được điều Ðức Phật giác ngộ dưới cội cây bồ đề và giảng dạy trong tam tạng kinh điển. Ðiều đó chính là: Tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có Phật Tánh như nhau, tất cả đều bình đẳng, và tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, giải thoát mọi khổ đau phiền não, nếu biết tu tập thực hành đúng Chánh Pháp.

Trong các kinh điển Phật giáo, đó là bốn bước: khai, thị, ngộ, nhập. Nghĩa là Ðức Phật khai mở cánh cửa giải thoát, chỉ thị cho con người thấy được, hiểu được thế nào là pháp vô sanh. Sau đó, giúp cho con người làm sao giác ngộ được pháp vô sanh và chỉ rõ đường lối tu hành làm sao chứng nhập được pháp vô sanh. Ðó chính là "con người chân thật bất sanh diệt" của tất cả chúng ta, chứ chúng ta không phải là cái xác thân giả tạm đang có này. Chúng ta cần nên biết rằng: Con người sở dĩ sợ chết, bởi vì con người sợ mất cái thân tứ đại mấy chục ký lô giả tạm này, cứ tưởng đó là mình, mà không hề biết mình có cái không hề chết, không hề bị diệt mất, cái đó chính là "con người chân thật bất sanh diệt" của tất cả chúng ta vậy. 

Chúng ta biết rằng khi thọ hưởng một tài sản hay của cải, vật chất nào, không nên chỉ dùng cho riêng mình. Chúng ta nên bố thí ra, chia xẻ với mọi người, để tạo an vui cho những người chung quanh và cũng tạo an vui cho chính chúng ta nữa. Cái gì chúng ta ăn, chỉ được nhứt thời. Cái gì chúng ta tích trữ, dành dụm, chỉ được nhứt đời mà thôi, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ lại tất cả khi ra đi. Nhưng tất cả những gì chúng ta cho ra, những gì chúng ta bố thí, sẽ trở lại với chúng ta, dưới dạng phước báo, quả báo lành, sự bình an, sự may mắn, giúp chúng ta được tai qua nạn khỏi. Chứ thực sự không có chúa trời, không có ngọc hoàng thượng đế hay đức Phật nào, vì lòng riêng tư, mà đến cứu giúp, theo lời van xin cầu khẩn của chúng ta cả. Nói cách khác, cái gì chúng ta đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa. Cái gì chúng ta đã mua sắm, bây giờ phải để lại cho người khác, khi ra đi. Chỉ có cái gì chúng ta "đã cho, đã bố thí" với lòng từ bi, là vẫn còn "thuộc về chúng ta" khi từ giã cõi đời. Ðó chính là nghiệp lành, là phước báo, là quả báo tốt, là sự may mắn, luôn luôn theo cùng với chúng ta như hình với bóng. Danh ngôn Tây Phương cũng có câu: "If you continually give, you will continually have".  

Trong Kinh Ðịa Tạng, phẩm thứ mười, khi Bồ Tát Ðịa Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, con xem chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh công đức bố thí, hiệu quả có sự nhiều ít khác nhau, có người được hưởng phước một đời, có người được hưởng phước mười đời, có người được hưởng phước hàng trăm, ngàn đời, lợi lạc lớn lao. Tại sao như thế, cúi xin đức Thế Tôn từ bi giảng trạch cho chúng con được biết". Ðức Phật dạy tóm lược như sau: "Bất cứ ai gặp những người già yếu, bần cùng, hèn mạt, tàn tật, câm ngọng, đui mù, ngây điếc, không được toàn vẹn, mà tự tay đem bố thí với lòng từ bi, thương xót, dùng lời mềm mỏng an ủi họ tử tế, khiến cho họ được an ổn, vui vẻ, thì được hưởng phước báo vô lượng. Tuy nhiên, nếu làm được những việc thiện như thế mà đem hồi hướng cho pháp giới chúng sanh thì những người làm công đức ấy được hưởng những sự vui sướng nhiệm mầu hàng trăm ngàn đời, nếu đem công đức ấy hồi hướng cho quyến thuộc nhà mình, hay muốn tự mình hưởng những lợi ích, thì ba đời được vui vẻ, làm một phần thì được hưởng vạn phần".

 

Tại sao vậy? Bởi vì những người làm phước đó đã phát tâm rộng lớn đem "hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh", không cứ công đức ít nhiều, không dành riêng cho mình và người thân của mình, đó chính là những người đã "diệt được lòng tham", cho nên được sự "giải thoát hoàn toàn", cho nên được hưởng quả "phước báo lớn lao" như vậy. Còn những người chỉ phát tâm hạn hẹp, chỉ muốn đem công đức ấy hồi hướng cho người thân, hay cho chính mình mà thôi, họ sẽ được hưởng quả phước báo hạn chế hơn, tùy theo tâm lượng còn nhỏ hẹp của chính mình. 

 

Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Nhược Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng". Nghĩa là nếu chúng ta không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, và không chấp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực hành hạnh bố thí, thì phước đức không thể nghĩ, không thể lường được.

Không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, có nghĩa là khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta không nên thấy có mình là người cho, để cầu mong được báo đáp, được cám ơn, được tán thán, chúng ta không nên thấy có người nào là kẻ nhận sự bố thí đó, để kể lể chuyện ơn nghĩa, chúng ta không nên thấy có bao nhiêu người đã nhận sự bố thí đó, để khoe khoang, và chúng ta cũng không nên thấy có vật gì, điều gì đã được đem cho, để khỏi tiếc nuối về sau, có khi tiếc của, muốn đi đòi lại! Nếu được như vậy, sau khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta sẽ an trụ được tâm của chúng ta. 

 Chúng ta sẽ không bực dọc khi gặp những người bội bạc, không biết ơn, thậm chí còn trở mặt với chúng ta nữa. Lòng từ bi của chúng ta cũng không bị hạn chế, khi không còn nhớ là đã bố thí bao nhiêu tiền của, đã bố thí cho bao nhiêu người, đã dành bao nhiêu thời giờ để làm hạnh bố thí đó.

Muốn hàng phục được tâm ý của chính mình, chúng ta phát nguyện độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ. Bố thí xong rồi thì thôi, đừng nhớ nghĩ gì nữa. Khi chúng ta xả bỏ được hết tất cả vọng niệm, tức là chúng ta đã thực hành hạnh bố thí ở mức độ cao nhất, mà ít người hiểu được. Hàng phục được tâm ý của chính mình thì mau tiến đến chỗ giải thoát, cho nên Ðức Phật dạy phước đức không thể nghĩ, không thể lường được, chính là nghĩa đó vậy. 

Không chấp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực hành hạnh bố thí, có nghĩa là chúng ta không chấp vào sắc tướng dễ nhìn hay khó nhìn, không chấp vào âm thinh dễ nghe hay khó nghe, không chấp vào mùi hương dễ ngửi hay khó ngửi, không chấp vào mùi vị dễ nếm hay khó nếm, không chấp vào xúc chạm dễ chịu hay khó chịu, không chấp vào sự việc, ý tưởng vừa ý hay không vừa ý, thích hay không thích, ưa hay ghét. Sở dĩ tâm ý của chúng ta thường hay loạn động, bởi vì chúng ta thường hay dính mắc với sáu trần. Hễ mắt thấy bất cứ sắc gì thì liền khởi vọng niệm phê phán đẹp hay xấu, hễ tai nghe bất cứ tiếng gì thì liền khởi vọng niệm phê phán êm dịu hay chát chúa, hễ mũi ngửi bất cứ mùi gì thì liền khởi vọng niệm phê phán thơm quá hay thúi quá, hễ lưỡi nếm bất cứ vị gì thì liền khởi vọng niệm phê phán ngon quá hay dỡ quá, hễ thân xúc chạm bất cứ vật gì thì liền khởi vọng niệm phê phán mát mẽ mịn màng hay nhám nhúa nhơ nhớp, hễ ý nhớ tưởng bất cứ chuyện gì thì liền khởi vọng niệm phê phán hài lòng hay bực bội. Cứ như thế, cả ngày, suốt tháng, quanh năm, tâm của chúng ta luôn luôn bất an, loạn động. 

 

Chúng ta thực hành hạnh bố thí còn có nghĩa là chúng ta buông xả hết các vọng niệm, các tạp niệm, để an trụ tâm, để thanh tịnh tâm thì mau tiến đến chỗ giải thoát. Cho nên Ðức Phật dạy thực hành được hạnh bố thí như vậy, thì phước đức không thể nghĩ, không thể lường được. Chúng ta thực hành hạnh bố thí với tấm lòng rộng rãi, với tất cả tấm lòng "vì người quên mình", với tất cả tấm lòng từ bi, cung kính, không cầu danh lợi, không cầu báo đáp, không vì hơn thua, không mê hoặc lòng người, không chọn lựa món xấu đem cho, món tốt giữ lại, tức là không trụ sắc; cho rồi không cần nghe lời khen, tiếng cám ơn, tức là không trụ thinh, v.v.. và của đem bố thí phải thanh tịnh, chơn chánh; người nhận bố thí phải được tôn trọng, bình đẳng, phải được cám ơn! Ðó chính là sự bố thí thanh tịnh, trong sáng, "bất tùy phân biệt" nam phụ lão ấu, người tu hay người đời, đẳng thí vô sai biệt, phổ đồng cúng dường, thượng cúng thập phương chư Phật, chư hiền thánh nhơn, hạ cập lục đạo phẩm, cho nên đem lại phước báo vô lượng vô biên, cho nên trong kinh sách gọi là "bố thí ba la mật". 

Tại sao chúng ta phải tu hạnh bố thí? Chúng ta tu hạnh bố thí là kiến tạo một kho tàng phước báu, là tu tập nghiệp lành. Bố thí tiêu trừ đau khổ, làm cho tâm trí được an vui, thảnh thơi, hạnh phúc. Tu hạnh bố thí được người thương mến, dễ thu phục lòng người, phát triển lòng từ bi. Tu hạnh bố thí là gốc rễ của tất cả các thiện pháp. Bố thí là pháp tu, hạnh tu mà những người kém phước đức và trí huệ cần noi theo. Chư vị hiền thánh nhơn kim cổ đều trải qua các hạnh tu bố thí.

* * *

Tóm lại, nhờ tu hạnh bố thí chúng ta diệt được lòng tham lam ích kỷ ở tự tâm, thể nhập tự tánh bình đẳng, đại từ đại bi, đem lại sự no ấm, thoát khổ đặng vui, đều nhờ công năng tài thí. Chúng ta cũng có thể phát triển chánh trí, phá trừ vô minh, si mê, thể nhập chân lý, đem lại bình tỉnh, cởi mở sự lo buồn sợ hãi, khiến chúng sanh được sống thanh thảng, tự tại, đó là nhờ công năng của pháp thí và vô úy thí. 

Hạnh bố thí là nền tảng của các nghiệp lành, nghiệp thiện, giúp con người sống trong chánh đạo, dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân hận, si mê. Pháp môn này, nói chung, mọi người ai ai cũng có thể thực hành được, nhưng muốn thực hành cho đến mức độ cao thâm, rốt ráo tột cùng, gọi là "ba la mật", chúng ta phải phát tâm bồ đề kiên cố, dũng mãnh, bất thoái chuyển, tức là phát tâm lượng của các bậc Bồ Tát và Ðại Bồ Tát vậy.  

(Trích "CƯ TRẦN LẠC ĐẠO" Tập 1)

 


DỌN KHO ĂN TẾT

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Thông lệ hằng năm, năm hết tết đến, nơi nơi người người, dọn dẹp nhà cửa, cho ngăn nắp hơn, sắp xếp bàn ghế, sửa soạn tủ giường, cho tiện nghi hơn, trang hoàng phòng khách, cho sáng sủa hơn, lau chùi bàn thờ, cho trang nghiêm hơn. Tất cả đều được, lo liệu chu tất, trước ngày đón rước, ông bà tổ tiên, tức là trước ngày, mùng ba mươi tết, trể lắm cũng phải, xong hết mọi việc, trước giờ giao thừa.

Bởi vì suốt năm, làm việc quần quật, mọi người đều mong, ngày đầu một năm, hoàn toàn nghỉ ngơi, cho thiệt thoải mái, khỏe khoắn tinh thần, phục hồi sức khỏe, chuẩn bị làm việc, suốt trong năm mới. Có người tin rằng, nếu làm việc nhiều, trong ngày đầu năm, sẽ "giông" cả năm, nghĩa là suốt năm, đều phải làm lụng, vất vả cực nhọc. Dẫu biết đó là, mê tín dị đoan, nhưng không ít người, cứ tin như vậy. Thực ra năm nào, chúng ta cũng phải, làm việc vất vả, mới được có ăn, trừ phi thất nghiệp, trừ phi trúng mánh, thần tài chiếu cố, trúng số chẳng hạn. Đặc biệt năm nay,  mọi người chúng ta, ngoài ra những chuyện, bắt buộc kể trên, phải nên làm thêm, một việc ngoại lệ, việc đó chính là:

Dọn Kho Ăn Tết.

Trong suốt năm qua, hay nhiều năm tháng dài, chúng ta đem cất vào trong kho bất cứ vật dụng gì còn tốt, còn xử dụng được, còn chưa muốn vứt đi, lại chẳng biết đem cho ai, có biết cũng chẳng dám, không khéo sợ mích lòng.Thậm chí nên biết, có các món đồ, cứ mua đem về, hoặc người khác cho, nhưng chưa có dùng, cũng bỏ vào kho, đợi khi có dịp, đem cho người khác. Lâu ngày dài tháng, cái kho ắp lẫm, đã quá bụi bặm, bẩn thỉu dơ dáy. Hôm nay chúng ta, nhân dịp cuối năm, dọn dẹp nhà cửa, muốn đem vào kho, thêm vài món nữa, nhưng thực không còn, một chỗ nào trống, để nhét cho vừa.

Chúng ta bèn phải, xăn quần cởi áo, ra công dọn kho, để ăn tết nhứt. Đến khi mở cửa, bước vào trong kho, lôi ra từng món, món to món nhỏ, món cũ món mới, quét bụi sạch trơn, lau chùi kỹ lưỡng, xem xét kỹ càng, kiểm soát đàng hoàng, đem vô trở lại, chẳng muốn bỏ đi, một món nào hết! Như vậy nghĩa là: cái kho vẫn đầy, đủ moi mọi thứ, thiệt là khổ quá, chẳng biết làm sao, giải quyết thế nào, cho được ổn thỏa. Người đời thường nói: "Bỏ thì thương, vương thì tội", chắc có lẽ là trường hợp này đây, chẳng biết đúng vậy hay không?

Cũng vậy, ngoài cái kho của cải vật chất nói trên, đã gây bao nhiêu cực nhọc rối rắm, chúng ta còn có một cái kho nữa, chứa đựng nhiều thứ ác liệt hơn, kinh khủng hơn, dữ dằn hơn, khó khăn hơn, khó thấy hơn, khó bỏ hơn, khó chịu hơn. Cái kho đó là, cái kho chứa gì, ghê rợn quá vậy?  Xin thưa trình ngay, khỏi mất thời giờ, đó chính thực là: "Kho Tàng Tâm Thức", của mỗi chúng ta. Thực vậy, tất cả chúng ta, ai ai cũng có, một cái gọi là: kho tàng tâm thức, chứa đựng tất cả, hình ảnh âm thanh, mùi hương mùi vị, cảm xúc ký ức, chúng ta thu lượm, từ khi còn bé, chí cho đến lúc, trở về thăm viếng, tổ tiên ông bà.

Chúng ta sống ở trên đời, hằng ngày phải sinh hoạt, phải làm việc, phải tiếp xúc với mọi người, trong xã hội, trong khu phố, trong cộng đồng, trong trường học, trong sở làm, trong hãng xưởng, trong công trường, trong nông trại. Với hai con mắt và hai lỗ tai, chúng ta thu nhận biết bao nhiêu hình ảnh và âm thanh, rồi đưa vào chứa trong kho tàng tâm thức.  Hai con mắt và hai lỗ tai của chúng ta ví như hai bộ phận quan trọng của một cái máy quay phim, mỗi ngày quay một cuộn băng, với đầy đủ hình ảnh và âm thanh, từ êm ái dịu dàng, đến ồn ào náo động, từ thương yêu trìu mến, đến giận ghét hận thù, chưa kịp dán nhãn, chưa kịp đặt tên, đã được đưa vào, cất ngay trong kho. Tạm gọi đó là: kho tàng tâm thức.

Trong kho tàng tâm thức, chúng ta chứa đựng đầy đủ hình ảnh của người thân lẫn kẻ thù, hình ảnh của những người gọi là tốt, vì đã từng giúp đỡ chúng ta, lẫn hình ảnh của những kẻ gọi là xấu, vì đã từng làm chúng ta mích lòng. Lâu lâu, chúng ta đem những hình ảnh đó chiếu đi chiếu lại, để sống lại cảnh náo động, thương thương, ghét ghét, bên trong tâm trí, y như lúc cảnh tượng đó xảy ra trước kia. Hình ảnh những người thân thương hiện ra, chúng ta cũng đau khổ bất an, thờ thẩn thẩn thờ, nhớ nhung thương mến, muốn được gặp lại, nhưng biết bao giờ, mới được toại nguyện.

Hình ảnh những kẻ đáng ghét hiện ra, chúng ta cũng đau khổ bất an, phùng mang trợn mắt, bực bội khó chịu, không muốn nhớ tới, không muốn gọi tên, không thèm gặp mặt, nhưng phải gặp hoài, cứ gặp đều đều, thực là trớ trêu!  Như vậy, việc chúng ta cất giữ những hình ảnh đó, trong kho tàng tâm thức, là nên hay không nên, là khôn hay không được khôn lắm?  Vậy mà giờ đây, nhân dịp cuối năm, tại sao chúng ta, không chịu ra công, dọn dẹp sạch sẽ, kho tàng tâm thức, cho được trống trải, mát mẻ khỏe khoắn, đêm ngủ được yên, ngày ăn được ngon?

Trong kho tàng tâm thức, chúng ta chứa đựng đủ thứ âm thanh, từ những lời khen tặng, xưng dương, tán thán, ca ngợi, nịnh hót, tâng bốc, yêu thương, trìu mến, ngọt ngào, tình cảm, cảm động, dễ nghe, cho đến những lời vu oan, vu khống, thống trách, hách dịch, trịch thượng, kiêu căng, lăng nhục, thô tục, giận hờn, chửi bới, bươi móc, bêu riếu, phỉ nhổ, phỉ báng, hủy báng, hủy nhục, nhục mạ, mạ lỵ, phê bình, chỉ trích, khích bác, chê trách, khiển trách, trách cứ, câu mâu, lầu bầu, rủa xả, xiên xỏ, xỏ xiên, mắc mứu, quở trách, quở mắng, la rầy, la mắng, mắng nhiếc, mắng chửi, sỉ vả, sỉ nhục, gièm pha, nói xấu, khinh khi, khi dể, coi thường, coi rẻ, rẻ rúng, sâu độc, sâu hiểm, hiểm ác, ác độc, độc địa, đay nghiến, nguyền rủa, nhiếc mắng, kê tủ vào họng, tọng cho câm mồm, đặt điều thêm bớt, có nói không không nói có, đâm bị thóc thọc bị gạo, thọc gậy bánh xe, thực là khó nghe, nhưng cứ nhớ hoài, rất là khó quên, cho nên khó ngủ, cú rủ suốt ngày, năm này tháng khác! 

Hai cái lỗ tai của chúng ta làm việc thực đắc lực, đem chứa thực nhiều thứ, vào trong kho tàng tâm thức. Những lời êm dịu, dễ chịu dễ nghe, lại không nhiều lắm, nhưng vẫn làm cho, chúng ta khó ngủ, bất an trằn trọc, khoái chí hả hê, muốn nghe lần nữa, vẫn chưa thỏa mãn.  Những lời khó nghe, không ai thèm nghe, không ai thích nghe, không ai muốn nghe, không ai chịu nghe, quả thực là nhiều. Dĩ nhiên, những lời nói như vậy càng làm cho chúng ta khó ngủ, bất an trăn trở, bực bội tức tối, không muốn nghe nữa, nhưng cứ nhớ hoài, văng vẳng bên tai, ít ai nín được. Thực là đau khổ, cho cái lỗ tai, phải nghe dài dài, những lời cay đắng!

Chúng ta ai ai, đều nhận ra rằng: Cuộc đời của mình, thực nhiều đau khổ, là bởi nguyên do, trong kho tâm thức, chứa nhóm quá nhiều. Nếu muốn giảm bớt, phiền não khổ đau, chắc chắn chúng ta, phải hạ quyết tâm, ra công dọn dẹp, kho tàng tâm thức. Nhưng phải dọn dẹp, bằng cách nào đây, bắt đầu từ đâu, khởi công lúc nào, tốn hao bao nhiêu, công lao sức lực, bao nhiêu thời gian, mới dọn dẹp xong, kho tàng tâm thức? Trước hết nên biết, mình muốn dọn dẹp, trống trải kho tàng, cái việc đầu tiên, phải làm đó là: ngăn ngừa chận đứng, đừng có đem thêm, bất cứ vật gì, vào kho nữa cả. Sau đó từ từ, chúng ta loại bỏ, những thứ trong kho.

Cũng vậy, nếu muốn cái kho tàng tâm thức của mình ngày một vơi bớt đi, để phiền não cũng vơi bớt theo, chúng ta đừng quay thêm cuốn phim nào nữa, trong cuộc sống hằng ngày.  Nghĩa là trong các sinh hoạt hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta luôn luôn giữ gìn chánh niệm, cố gắng duy trì sự bình tĩnh thản nhiên, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian, trong mọi không gian, không để cho các "tâm tham, tâm sân, tâm si", có cơ duyên khởi lên, trong tâm trí của mình.

 

Thí dụ như có, người tới rủ rê, hùn hạp làm ăn, mập mờ phi pháp, nhứt bổn vạn lợi.  Chúng ta đừng để, tâm tham khởi lên, dẫn dắt chúng ta, nghe lời dụ dỗ. Được những mối lợi, phi pháp bất chánh, ngày không ăn ngon, đêm chẳng ngủ yên, lúc nào cũng sợ, nơm nớp phập phồng, không biết bao giờ, chuyện đó đổ bể, hậu quả thế nào? 

Thí dụ như có, người tới rỉ tai, bày vẻ đủ cách, vu oan người khác, chỉ dẫn thủ tục, kiện người ra tòa, nhứt bổn lệ phí, thu được bỏ túi, hằng triệu đô la, bồi thường thiệt hại, mới vừa nghe qua, thiệt là sướng quá! Chúng ta đừng để, tâm tham khởi lên, xúi giục chúng ta, nghe lời ác độc. Pháp luật đặt ra, chỉ nhằm mục đích, duy trì an ninh, bảo vệ bình đẳng, trật tự xã hội, chứ không phải để, con người lợi dụng, kiếm tiền làm giàu, bất chấp khổ đau, của kẻ bị hại, gia đình của họ, phiền muộn không nguôi. Dù cho có thắng, vụ kiện bạc triệu, liệu mình có thể, an nhiên tiêu xài, cho đến mãn đời, một cách bình yên, hay không chẳng biết? 

* Luật nhân quả dạy rằng: "Gieo nhân nào thì gặt quả nấy".  Bởi vậy cho nên, chúng ta đã thấy: Không biết bao nhiêu, gia đình giàu có, tan nhà nát cửa, vợ chồng ly tán, âm mưu hại nhau, tranh chấp của cải, con cái ám hại, cha mẹ anh em, tranh đoạt gia tài, hùn hạp làm ăn, thường bị phá sản, gặp cơn bệnh hoạn, nan y khó chữa, tai nạn hiểm nghèo, bất đắc kỳ tử! Đó là những quả báo nhãn tiền, người đời gọi là: của thiên trả địa, của sông đổ biển.  Nhưng vì lòng tham, vô cùng vô tận, túi tham không đáy, tối tăm mặt mũi, lương tâm mê mờ, lòng dạ tối đen, không thể thấy được, đó là ác nghiệp, cho nên nhào vô, tạo tội tạo nghiệp, để rồi về sau, người đó lãnh đủ, quả báo chẳng lành, khác nào thiêu thân, nhào vô lửa đỏ!

 

Hiểu được như vậy, chúng ta quyết tâm, không thèm nghe theo, không làm những chuyện, ác nhân thất đức, cố gắng làm chủ, bằng được tâm mình, dừng ngay các vụ, thưa kiện kiếm tiền, dừng ngay âm mưu, sang đoạt tài sản, tác quyền tác giả, dừng ngay mưu mô, chiếm đoạt công ăn, sang đoạt việc làm, của những người khác. Đó mới thực là, những điều khó làm. Không phải ai ai, cũng làm được ngay, nên cần phải có, thời gian thử thách, công phu thực tập. Làm được như vậy, lâu ngày dài tháng, con người chắc chắn, trở nên sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, những người chung quanh, cũng sẽ cảm nhận, an vui lợi lạc. Kho tàng tâm thức, chủng tử tham lam, vơi dần bớt dần, trí tuệ phát triển, không còn những chuyện, mê tín dị đoan, cuộc đời an lạc, được hạnh phúc hơn, nhứt định không nghi.

Thí dụ như là, có người đi tới, chửi bới nhục mạ, khiêu khích chỉ trích. Chúng ta đừng để, tâm sân khởi lên, khiến cho chúng ta, tiếp nhận ngay những, lời nói khó nghe.  Tại sao vậy? Bởi vì, những lời nói như vậy không có nghĩa lý gì cả, chỉ nhằm mục đích gây phiền não cho chúng ta mà thôi. Chúng nói mình ngu, mình liền nổi giận, cãi cọ đôi co, đúng là ngu thiệt, chứ còn gì nữa! Tục ngữ có câu: "No mất ngon, giận mất khôn".  Nếu chúng ta tiếp nhận ngay những lời nói khó nghe ấy vào lòng, cơn giận lập tức khởi lên, hành động thiếu bình tĩnh, lời nói kém sáng suốt, thường khi chỉ đem lại thiệt thòi cho mình mà thôi.

Chẳng hạn như khi bị vu khống cáo gian, nếu không dằn được sự tức giận bực bội, chắc chắn chúng ta sẽ có những lời nói hay hành động khiến người khác mất cảm tình, hay hiểu lầm một cách tai hại vô cùng.. Chẳng hạn như khi cấp trên trong sở làm, có những lời nói hiểu lầm hay khó nghe, nếu không thể nhịn được, không chịu giải thích một cách ôn hòa nhẹ nhàng, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều phiền phức trong công việc.

Trong gia đình cũng vậy, muốn có được an lạc hạnh phúc, vợ chồng con cái phải biết hai chữ: thương yêu và nhẫn nhịn. Thiếu một trong hai chữ đó, gia đình sẽ luôn luôn có sóng gió, bất hòa, bất an, lâu dần có thể làm giảm hạnh phúc, cuộc sống chung trở nên phiền não và khổ đau. Một lời nói ra, trong sự vui vẻ, trong tình yêu thương, nói sao cũng được, nói gì cũng được. Một lời nói ra, trong sự bực bội, trong lúc giận hờn, tâm trạng bất an, nói sao cũng không được, nói gì cũng có thể gây hiểu lầm. Bởi vậy cho nên, chúng ta luôn luôn, quán sát tâm mình. Mỗi khi tâm sân, vừa mới khởi lên, chúng ta liền biết, dừng ngay không theo.  Đừng để tâm sân, dẫn dắt chúng ta, đến chỗ phiền toái, rắc rối cuộc đời. Nếu được như vậy, mọi sự mọi việc, ở trên đời này, sẽ được bình yên, vui vẻ trọn vẹn, thành tựu tốt đẹp. Nhiều khi cơn sân, nổi lên đùng đùng, có thể tiêu tan, tất cả cảm tình, tiêu tan sự nghiệp, khổ công gầy dựng, từ trước đến giờ. Ví như đốm lửa, có thể thiêu đốt, cả một khu rừng.  Cho nên chúng ta, luôn luôn nhớ rằng: tâm sân quả thực, tai hại vô cùng!

Có người không hiểu: Tại sao phải nhịn?  Nhịn để làm gì? Nhịn ở đàng chân, chúng lân đàng đầu. Trên thế gian này, nhịn nhục khó sống, khó ngóc đầu lên, chẳng nên tích sự, lợi ích gì cả.  Thực ra tất cả, suy nghĩ vừa kể, đều do tâm sân, do tâm chấp ngã, tất cả mọi người, từ đó phát ra. Con người thế gian, thường hay nghĩ rằng: "đời mình còn dài", thấy người khác chết, chứ mình sống dai, còn lâu mới chết! Con người ở đời, cần danh và lợi, cho nên thực hiện, bất cứ thủ đoạn, miễn được làm giàu, bất kể chà đạp, thanh danh người khác, để giành địa vị, để kiếm tí danh, luôn luôn muốn hơn, tất cả mọi người, về mọi phương diện. Có người dạy con: ra đường phải nhớ, luôn luôn hơn người, chớ bị hiếp đáp, chớ để thiệt thòi, nếu bị thua nhục, thì đừng về nhà! Nhịn thì nhục, cự thì đục! Cho nên có ngày, đứa con chạy về, ôm đầu đầy máu, hoặc đến nhà thương, nhận xác con mình!

Tâm sân thường thường, thúc đẩy con người, đấu tranh cãi cọ, lời qua tiếng lại, từ những chuyện như: quốc gia đại sự, chính trị tôn giáo, đến những thứ chuyện, lặt vặt nhỏ mọn, sinh hoạt thường ngày. Thực ra nên biết: những khi người khác, nói lên một tiếng, mình trả một miếng, thì dễ dàng quá. Nếu không nhịn được, người vào nhà xác, mình vào nhà thương, hay vô nhà tù, hoặc là ngược lại. Còn nếu nhịn được, không thèm tranh cãi, không có bực dọc, không nổi cơn sân, làm chủ tâm mình, làm chủ ý mình, miệng mỉm nụ cười, thực là tươi tắn, may mắn mọi chuyện, chấm dứt nơi đây. Đó mới thực là, những điều khó làm.  Không phải ai ai, cũng làm được ngay, nên cần phải có, thời gian thử thách, công phu thực tập. Làm được như vậy, lâu ngày dài tháng, con người chắc chắn, trở nên sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, những người chung quanh, cũng sẽ cảm nhận, an vui lợi lạc. Kho tàng tâm thức, chủng tử sân hận, vơi dần bớt dần, trí tuệ phát triển, không còn những chuyện, mê tín dị đoan, cuộc đời an lạc, được hạnh phúc hơn, nhứt định không nghi.. 

Thí dụ có người, tới cho mình biết: người khác nói xấu, nói mình ngu si, hạ nhục bêu riếu, đàm tiếu khinh khi, khi dể chửi rủa, đồ đạo đức giả, thứ dân sợ vợ, khố rách áo ôm, như gả ăn mày, như trâu cày ruộng. Chúng ta đừng để, tâm si khởi lên, liền khiến chúng ta, tin lời đồn đại. Tại sao như vậy? Bởi vì nên biết, những lời đồn đại, thường là bịa đặt, đặt điều thêm bớt, vẽ rắn thêm chân, thổi phồng con cóc, thành con khủng long, chuyện xe cán chó, trà dư tửu hậu, đòn xóc hai đầu, đầu đâm bị thóc, đầu thọc bị gạo, phá hoại gia cang, chia rẽ cộng đồng. Tin những điều đó, chứng tỏ con người, có tâm chấp ngã, thực là quá lớn, dễ bị khiêu khích, tự ái quá cao, cho nên té nhào, đau thương tơi tả, đúng là ngu si, chứ còn gì nữa!

Thí dụ có người, tới cho mình biết: mình có căn tu, có nhiều phước báu, mau mau theo đạo, do họ dựng lên, cúng hết bạc tiền, nhà cửa xe cộ, tiệm buôn phố xá, vợ con bất kể, cha mẹ xá gì, cầu khẩn van xin, kiếp sau được về, cõi mình mong muốn.  Người nào nhẹ dạ, dễ tin nghe theo, những lời như vậy, chữ ngu chữ ngốc, còn là quá nhẹ! Còn nếu hiểu được, không thèm tin theo, không chút si mê, làm chủ tâm mình. Đó mới thực là, những điều khó làm.  Không phải ai ai, cũng làm được ngay, nên cần phải có, thời gian thử thách, công phu thực tập. Làm được như vậy, lâu ngày dài tháng, con người chắc chắn, trở nên sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, những người chung quanh, cũng sẽ cảm nhận, an vui lợi ích. Kho tàng tâm thức, chủng tử si mê, vơi dần bớt dần, trí tuệ phát triển, không còn những chuyện, mê tín dị đoan, cuộc đời an lạc, được hạnh phúc hơn, nhứt định không nghi.

* *

Có người thắc mắc: Nếu như bỏ hết, tâm tham tâm sân, luôn cả tâm si, đâu còn mình nữa, mình bị biến mất, mất thiệt rồi sao? Xin thưa đúng vậy, nhưng mà thực ra, cũng không phải vậy. Thường thường hầu hết, tất cả mọi người, trên thế gian này, đều chấp cái tâm, suy nghĩ là mình, mình là con người, có tâm suy nghĩ. Bởi vậy cho nên, khi tâm suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn,  lắng xuống không còn, tưởng mình biến mất! Thực ra không phải!  Điều đúng chính là: chỉ có cái tâm, nghĩ suy suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn, biến mất mà thôi. Chúng ta vẫn còn, hiện hữu rõ ràng, với tâm thanh tịnh, không có tham lam, sân hận si mê. Bằng cớ chính là: chúng ta biết rõ, nhận rõ thấy rõ, khi mình bình tĩnh, thản nhiên tự tại, cái tâm suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn, tan biến mất dạng. Ai thấy điều đó, ai biết điều đó? Chính mình chớ ai!  Thực không có sai! Lúc đó chính là: con người chân thật, hiện tiền trước mắt, đúng theo chân lý!  Chúng ta sống được, con người chân thật, đời sống an vui, phiền não rút lui, cuộc đời hạnh phúc.

Như ngoài biển khơi, sóng to sóng nhỏ, đều lặng hết rồi, mặt biển thanh bình, tức thời hiện ra, một cách rõ ràng, rộng rãi bao la, vô bờ vô bến. Trong lúc sóng to, và có gió lớn, bầu trời đen kịt, mình chỉ thấy được, vùng biển nhỏ hẹp, sóng động mà thôi, tầm mắt giới hạn, không thể nhìn xa. Cũng y như vậy, khi tâm của mình, sôi nổi náo động, lòng tham nổi lên, tối tăm mặt mũi, lòng sân nổi lên, mất hết trí khôn, lòng si nổi lên, quên hết mọi việc, mình chỉ thấy được, con người nhỏ hẹp, suy nghĩ ích kỷ, chỉ biết có mình, và gia đình mình, chỉ vậy mà thôi.Tất cả mọi người, phiền não ra sao, đau khổ thế nào, cũng mặc kệ họ, chẳng cần biết tới!  Bởi thế cho nên, hành động lời nói, và trong tư tưởng, chỉ có ích lợi, cho bản thân mình, gây nên bao nhiêu, khổ đau cho người, và gia đình họ. Nếu những người khác, cũng nghĩ như vậy, thì mình lãnh đủ, mình là nạn nhân, của tâm xấu ác, của người khác vậy. Do đó cuộc đời, vay trả trả vay, liên miên như vậy, hỏi sao đau khổ, hỏi sao phiền não?

Nếu muốn người khác, không làm hại mình, thì điều trước hết, mình không hại người.  Mọi sự bắt đầu, ngay trong tâm mình! Đừng để đến khi, quả báo chẳng lành, xảy tới liên miên, chịu nhiều khổ nạn, thậm chí mạng vong, hả họng rên la, than trời trách đất, cầu trời cầu Phật, cứu con cứu con, cứu sao kịp nữa!   

Sách xưa có câu:

Tâm mình bạc ác tinh ma.

Chớ nên oán trách trời xa đất gần.

Khi nào tất cả, lăng xăng lộn xộn, thí dụ như là: tâm tham tâm sân, và tâm si mê, lắng xuống hết rồi, con người chân thật, của mình hiện tiền, tâm thể thênh thang, cõi lòng cởi mở, rộng rãi bao la, tâm trí an vui, đời sống lợi lạc, cảm giác hòa đồng, vũ trụ vạn vật. Cũng ví như là, cặn cáu lắng đi, cái ly nước trong, hiện hữu rõ ràng. Con người chân thật, đầy đủ bốn tâm, từ bi hỷ xả, vì người quên mình, bác ái vị tha. Nếu như tất cả, mọi người đều sống, như người chân thật, thế gian này là, thiên đàng cực lạc, nhà nhà an vui, người người hạnh phúc, nơi nơi thái bình, âu ca thạnh trị, phiền não không còn, khổ đau biến mất! Lúc đó mọi người, không ai còn sợ, chuyện nhảm tận thế, vào năm 2000, hoặc năm nào khác. Tại sao như vậy?  Bởi vì khi đó, tâm tánh mọi người, sáng suốt hiền hòa, công minh chính trực, dù ở nơi nào, cũng được bình thản, an vui lợi lạc, không còn phiền não, cho nên không còn, sợ sệt gì nữa.

Tóm lại,

chúng ta đã ráng, ra công ngăn chận, không đem vào trong, kho tàng tâm thức, thêm những chủng tử, phiền não khổ đau, trong đó có ba, món to lớn nhứt, đó chính thực là: cái tâm tham lam, cái tâm sân hận, và tâm si mê.  Lâu ngày dài tháng, những món chứa trong, kho tàng tâm thức, từ từ vơi bớt.  Những cuốn phim cũ, được thu cất giữ, từ bao năm xưa, nếu như chúng ta, không đem ra chiếu, chiếu đi chiếu lại, lâu dần phai mờ, rơi vào quên lãng.  Kho tàng tâm thức trống rỗng, tức là tâm của mình sẽ được khinh an, nhẹ nhàng, cuộc sống an vui hạnh phúc.  Lúc đó, dù mình không muốn làm thánh nhân, thánh nhân cũng không còn khác lạ, xa cách nữa.

Mỗi khi năm hết, cái tết lại đến, năm cũ bước qua, năm mới sắp đến, thiên hạ vui mừng, hân hoan hớn hở, mọi người nô nức, chào đón xuân sang. Người trẻ thường thấy, tương lai mở rộng, trước mắt màu hồng, đáng yêu đáng sống. Còn như các người, lớn tuổi thì sao? Mỗi một năm qua, hết trẻ đến già, người ta bước tới, một ngày quan trọng: giã từ gác trọ! Gác trọ của tất cả mọi người chính là: ta bà thế giới. Người phải giã từ gác trọ không đợi độ tuổi nào.  Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, bất cứ tuổi nào, bất cứ người nào, cũng đều có thể ra đi. Nhưng mà đi đâu?  Mừng mùa xuân đến, người hiểu biết đạo, gấp rút tu tâm, đồng thời dưỡng tánh, cho được giác ngộ, đến ngày ra đi, khỏi phải quờ quạng, mang mang mờ mịt, chẳng biết đi đâu? Người chưa thấy đạo, nhân dịp năm mới, hãy tạo thuận duyên, chuẩn bị kỹ càng, hứa hẹn rõ ràng: trong năm sắp tới, mọi việc tốt hơn, tiến hơn năm cũ, nỗ lực tu tập, cho sáng được đạo, đó là nguồn vui, hy vọng năm mới, sẽ hơn năm nay, công phu viên mãn.

Đất nước này, xứ sở này, địa phương này đã mở rộng vòng tay từ ái bao dung, thương yêu đùm bọc, chấp nhận chúng ta sống chung hòa bình, xây dựng cuộc đời mới, trên miền đất tự do nhân đạo này.  Như vậy cộng đồng, chúng ta với nhau, tại sao không thể, giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa với nhau, đối xử với nhau, một cách nhân đạo, với tình đồng bào, để tạo cuộc sống, vạn sự như ý, an vui lợi lạc, vừa hợp tình nghĩa, vừa hợp đạo lý. Trước thềm năm mới, chúng ta có quyền, hy vọng từ đây, cuộc đời của mình, và của mọi người, tất cả đều được: an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát.


Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
http://phtq-canada.blogspot.com

 


CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/chanh-tin-trong-ao-phat.html

NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ NHẸ NHÀN 

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/nguoi-biet-tu-phat-thi-rat-nhe.htm 

LÒNG TIN NGƯỜI CON PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/long-tin-cua-nguoi-con-phat.html

THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/nao-la-that-su-tu-bo.html

TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/tinh-than-tu-do-trong-ao-phat.html

TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/tam-va-tuong-trong-phat-giao.html

 

 

No comments:

Post a Comment