Sunday, 20 September 2020

NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN

 


Nắng mùa hè ấm áp, giúp cho vườn hoa ở Canada cảnh sắc rực rỡ.  Một hồ sen điểm vài cánh hoa hiếm quí tươi nhuần thanh khiết, làm ấm lòng người thưởng ngoạn. Lá sen màu xanh thẫm, trải khắp mặt hồ, tuyệt đẹp như bức tranh vẽ nghệ thuật. Vài giọt nước nằm yên giữa dòng lá sen tự lúc nào, một làn gió thổi qua, những giọt nước rơi nhẹ xuống mặt hồ. Sự yên tĩnh trong sạch và phẳng lặng của hồ sen, có thể trưởng dưỡng những tâm hồn an tịnh, không tranh chấp, không hơn thua, không phiền não.                

Ai sống trên đời nầy

Tham ái được hàng phục

Sầu khổ tự tiêu diệt 

Như giọt nước lá sen.   

(Kinh Pháp Cú)

Tất cả mọi người trên thế gian đều có chung một số phận "sanh lão bịnh tử", đó là cái khổ lớn của đời người. Con người có sanh ra, tất có già, có bịnh và sẽ đi đến cái chết chắc chắn như vậy. Con người tỉnh thức nhận rõ điều này. Diệu dụng của sự tỉnh thức đưa con người thoát khỏi vô minh, phiền não, khổ đau của luân hồi. 

Căn tánh của chúng sanh không đồng, nên Ðức Phật giáo hóa tùy duyên, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chỉ dạy nhưng cũng không ngoài một vị giải thoát. Phương pháp tu cốt yếu là giúp con người hiểu biết cách thực hành tinh tấn, tận sức kiên trì, chiến thắng tâm ma cho đến khi đạt được giác ngộ giải thoát, mới mong thoát khỏi đau khổ sanh lão bịnh tử, trở về niết bàn tịch tịnh. Như hoa sen và lá không nhiễm bùn tanh và nước đọng. Diệu dụng của sự tỉnh thức là con đường tu bằng trí tuệ cao thượng để có được kết quả viên mãn.

Ðức Phật dạy: "Chánh pháp là tặng phẩm quí báu nhất. Pháp vị là hương vị đậm đà thanh tịnh nhất. Pháp hỷ là niềm hoan hỷ an lạc cao cả nhất. Ái tận là công đức thù thắng nhất, vì đưa đến quả vị giải thoát tối thượng".

 

Ðệ tử của Như Lai

Luôn sống trong tỉnh thức

Bất luận ngày hay đêm

Tâm không nhiễm ái dục

Thường tu niệm tỉnh giác

Lậu hoặc ắt tiêu trừ.            

(Kinh Pháp Cú)

Chư Tổ ví tâm như nước hồ thu không gợn sóng, trăng soi bóng nước. Như ly nước đầy cáu bẩn, cần thời gian để yên một nơi, cáu bẩn lắng xuống, ly nước được trong dần. Người tu muốn được thấy sự diệu dụng của Phật pháp, cần phải có không gian yên tĩnh thích hợp để hành thiền và tu học. Khi không còn thấy sự yên tĩnh là buồn chán, ly nước cáu bẩn được lọc sạch.

Người sống không thẹn với lòng là người không tìm hạnh phúc trong quyền lực, trong sự tranh đấu hơn thua, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác. Chúng ta nhận ra được sự tai hại của lòng tham và ích kỷ sẽ gây thù oán khắp mọi nơi, không có hạnh phúc nào bền vững cả. Cuối cuộc đời là sự tự hủy diệt trong cô đơn và đau khổ.

Người có trí tuệ hàng phục được tham sân si, xa lánh được nhân xấu ác, tâm sáng suốt, sẽ thấy được đâu là hạnh phúc bền vững chân thật. Khi cảm nhận được hạnh phúc xuất thế gian là vô giá, thì đối với họ thắng bại, danh vọng, quyền lực, vật chất không còn là quan trọng nữa.

Chư vị tôn túc thường nói: "Nhịn một câu sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao". Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Phiền não trên đời như túi đá nặng trên vai, người nào biết buông bỏ xuống thì nhẹ nhàng như cởi mây ngao du sơn thủy.

Vận dụng từ bi để trừ sân hận, hiểu được sự bất tịnh sẽ dẹp trừ tham dục, khai mở trí tuệ phá tan được si mê. Hạnh phúc cao quí là ở nhân phẩm trong sạch và lòng từ ái mà có được. Quá nhiều thủ đoạn và ích kỷ tham cầu cho riêng mình chỉ chuốc lấy khổ đau và thù hận mà thôi.

 

Trong đời sống hiện đại, mật độ dân cư càng tăng, tiện nghi vật chất phục vụ con người càng lôi cuốn hấp dẫn, áp lực đồng tiền càng mạnh. Con đường sa đọa mê đắm đưa nhiều người đến vực thẳm không còn kềm chế được. Nếu họ không thỏa mãn được những tham vọng điên cuồng, hậu quả đưa đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, tội lỗi và bất hạnh trước mắt. Lúc đó con người tự hành hạ mình bằng sự sân hận, oán người, hận đời, đôi khi đi đến loạn tâm điên rồ, mất tự chủ và sáng suốt, để rồi việc ác gì cũng dám làm, thật là nguy hiểm vô cùng.

 

Khi nghĩ đến những bất hạnh mà họ phải gánh chịu, với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi, mọi người nên thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta không khinh khi, cũng không bỏ mặc họ, kiên nhẫn tùy duyên, đúng lúc nào đó có thể sẵn sàng giúp họ bằng tấm lòng khoan dung độ lượng, đưa họ về con đường bình an trong chánh pháp.

 

Muốn có được sự bình an thực sự, con người bớt đòi hỏi vị kỷ, sống đơn giản, xa rời hơn thua tranh chấp, trao giồi đức hạnh, khiêm hạ vô tư, vì người không vì mình, trong tất cả hành động của thân khẩu ý.

 

Sự toàn thiện về thân và tâm chưa đủ, chúng ta còn phải làm nhiều phước thiện. Tâm an lạc hạnh phúc khi mọi người xung quanh đều có hạnh phúc.

 

Tuy lá sen không được nhiều người ca tụng và chiêm ngưỡng như hoa sen tròn vẹn hương sắc, nhưng lá cũng góp phần làm cho cảnh sắc của hồ sen tươi thuần và tăng thêm giá trị thiện pháp cho tâm người biết thưởng ngoạn. 

Người có trí tuệ thấy rõ nhân quả của thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, thì mới quyết tâm buông bỏ được tham lam, sân hận, và si mê.  

Người giữ được tâm trong sạch, thân đoan chính thanh tịnh, những đam mê của cảnh trần không làm họ dính mắc bận tâm, như giọt nước trên lá sen.

Người tu khi hành đạo thường gặp "bát phong", nghĩa là những sự tôn vinh hay phỉ báng, khen hay chê, sướng hay khổ, lợi dưỡng hay ngược đãi, tất cả đều không màng.  

Bát Phong là tám điều xảy ra trên đời làm tâm con người loạn động bất an, nhưng với người biết cách tu, tâm không bị phiền não chi phối. Bát phong gồm 4 cặp đối nghịch:

Lợi: khi gặp lúc lợi lộc, tâm không ham muốn vui thích.

Suy: khi gặp cảnh suy sụp, bất như ý, tâm không sầu não, bi lụy.

Hủy: khi gặp sự hủy nhục, tâm không sân hận, thù oán.

Dự: khi gặp sự danh dự, tâm không dính mắc, tự mãn.

Xưng: khi gặp sự xưng tán, tâm không ngã mạn, tự kiêu.

Cơ: khi gặp sự chỉ trích, tâm không đau khổ, buồn rầu.

Khổ: khi gặp lúc khổ nạn, tâm không mặc cảm, oán than.

Lạc: khi gặp cảnh vui mừng, tâm không tham đắm, si mê.

Chư Phật hóa độ chúng sanh bằng tâm "Ðại hùng, Ðại lực, Ðại từ bi". Các Ngài vượt qua hết trở ngại của sự phân biệt và chia cách. Người tu theo Phật phải dũng mảnh tinh tiến rũ bỏ hết tham lam, sân hận và si mê, đem ánh sáng trí tuệ và tâm từ bi, xua tan bóng tối của vô minh nhiều đời nhiều kiếp cho mình và cho người hữu duyên.

Muốn thanh tịnh hóa tâm hồn, đã quá nhiều mệt mỏi vì sự cạnh tranh ồn ào của cảnh đời, như giọt nước lá sen, chỉ cần nhân duyên của cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho giọt nước phiền não rơi xuống hồ, trả lại sự trong sạch nguyên vẹn cho lá. Sự diệu dụng của Phật Pháp, đem lợi lạc cho con người ở mọi thành phần giai cấp xã hội.

Ngày nay, băng giảng, kinh sách, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được phát hành rộng rãi, các khóa tu học được tổ chức tại các tự viện, chúng ta có thể tham khảo và tìm một pháp môn thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh để tu học. Các vị học giả trí thức đã bỏ nhiều tâm huyết và công phu thành lập các "website" giá trị tu học, đem nhiều lợi lạc cho tứ chúng, xuất gia và tại gia. Giáo lý đạo Phật cũng được nhân loại đón nhận như nước cam lồ cứu khổ chúng sanh, với lòng tôn kính và sự biết ơn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng vô tận.

Dù sống một trăm năm

Không thấy Pháp tối thượng

Chẳng bằng sống một ngày

Ðược thấy Pháp tối thượng.   

(Kinh Pháp Cú)

Dù sống một trăm năm

Không tuệ, không thiền định

Không bằng sống một ngày

Có tuệ, tu thiền định.               

(Kinh Pháp Cú)

Sự tu học không đòi hỏi phải ngộ tức thời, hay nóng lòng cầu mong chứng đắc, nhưng cũng đừng trì trệ. Niệm Phật hay tọa thiền để đi đến thanh tịnh tâm, là các pháp môn thực hành, đồng thời với việc tìm hiểu lời Phật dạy, để biết rõ cách tu tâm sửa tánh, đúng theo chánh pháp. Kết quả trừ dứt tất cả nghiệp ác và các duyên gây đau khổ, sau đó cứu người giúp đời, tạo công đức và phước đức. Nguyện đem công đức và phước đức hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều thành Phật đạo.

Tóm lại, con người thường mong muốn rất nhiều, nhưng đạt được những điều mong cầu thì rất ít. Không ai muốn khổ, nhưng vẫn gặp khổ nạn, không muốn già bịnh, nhưng già bịnh không ai tránh khỏi, không muốn chết cũng không được. Cuộc sống luân hồi khổ nhiều vui ít, sanh sanh tử tử mãi không thoát được.

Thời gian qua rất nhanh, tuổi đời tuổi đạo thì tăng dần, phiền não của tâm chấp trước càng nhiều, là những tư tưởng, quan niệm sai lầm, thành kiến, làm che lấp ánh sáng giác ngộ. Người tu cần thời gian tĩnh tu, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền để an định tâm, dẹp trừ định kiến và phiền não. Trong kinh sách, có câu kệ như sau:

 

Chánh thân đoan tọa

Ðương nguyện chúng sanh

Tọa bồ đề tòa

Tâm vô sở trước.

 

Nghĩa là:                                   

Thân ngồi ngay thẳng

Nguyện cho chúng sanh

Ngồi tòa giác ngộ

Tâm chẳng chấp trước.

 

Chư Tổ dạy: "Duy Tuệ Thị Nghiệp". Người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp, tinh tấn làm công phu, dùng đạo lực khắc phục mọi khó khăn, tu tập thiền định để đi đến kết quả giác ngộ và giải thoát.

Khi nếm được "Hương Vị Phật Pháp" hạnh phúc không thể nghĩ bàn, thì mỗi thời khắc luôn được sống trong giới pháp an lạc của chư Phật. Báo ân đức Phật, hành Bồ Tát đạo, với tâm vô ngã vị tha, hành từ bi hỷ xả. Từng bước từng bước đạt được đức hạnh trọn vẹn, vô ngã vị tha, đem tâm trí và đạo lực tinh tấn an nhiên đi vào cảnh giới an lạc của chư Phật. Từng bước từng bước tạo duyên lành cho mọi người thân quen nếm được Pháp vị của sự giác ngộ và giải thoát.

Chúng ta có thể tự nhủ lòng rằng: "Hôm nay sự tu tập của tôi đã được một phần an lạc thanh tịnh, so với ngày hôm qua có tiến bộ. Nguyện ngày mai sẽ cố gắng nhiều hơn nữa và không bao giờ thối chuyển. Hãy đặt niềm tin vào con đường mà Ðức Phật đã giảng dạy, giữ giới thanh tịnh, trừ bỏ ba độc tham sân si. Ðó là một sự vô cùng quan trọng và cần thiết cho đời tu".

 

Nguyện chánh pháp lưu truyền

Phổ cập khắp thế gian,

Chúng sanh thường tịnh lạc,

Phật đạo chóng viên thành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca  Mâu Ni Phật.

TKN. Thích Nữ Chân Liễu

 


CHUYỆN TRONG NHÀ

 

- Thằng Tư nhà mình, hôm nào đi làm, nó cũng khép kín cửa phòng của nó, bộ nó không muốn tôi dòm ngó phòng của nó chắc?

- Không phải đâu, Bà ơi! Bà hiểu lầm rồi! Nó mở cửa sổ phòng của nó cho thoáng. Nhưng nó không muốn tôi với bà bị lạnh, nên khép cửa phòng của nó, chớ nó không có nghĩ quấy gì đâu.

- Ờ hé! Ông không nói, tôi đâu có biết! Bậy quá, tôi cứ suy nghĩ lung tung. Ở chung nhà, người thân mà còn chưa hiểu nhau, huống gì là người dưng, là hàng xóm láng giềng, ha!

 

- Tâm bình thì thế giới bình!



Không Cần Các Hình Thức Tôn Giáo

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Tôn giáo luôn luôn là một lĩnh vực gây nhiều tranh luận xưa nay. Con người cần nhìn rõ ràng hơn, minh triết hơn về sự khác nhau giữa hình thức tôn giáo (tu tướng) và tu tâm dưỡng tánh (tu tâm). Từ đó con người nhận ra sự khác biệt giữa người tu hành chân chính và cái áo choàng hình thức bên ngoài, mê tín, đạo đức giả mà nhiều người trong các tôn giáo đang mặc trên người, tu sĩ lẫn tín đồ.

 

Tôn giáo nào có số thống kê tín đồ đông nhất hiện nay là tôn giáo tốt nhứt, có phải hay không? Xưa nay, không có tôn giáo nào tốt nhứt. Tôn giáo chỉ là phương tiện tâm linh, giúp cho con người an lạc hạnh phúc trong cuộc sống, không phải là cứu cánh. Con người cần có trí tuệ nhận biết cứu cánh trong giáo lý tôn giáo, không phải hình thức lễ nghi phức tạp và mê tín của tôn giáo đó, cũng như tìm thấy kho tàng trong lòng đất.

 

Số đông tín đồ không hẳn là tiêu chí để khẳng định đó là tôn giáo tốt nhứt. Số đông người không hẳn luôn luôn là đúng. Số người ngu ngốc luôn luôn đông hơn số người khôn ngoan. Theo ý niệm dân chủ, đa số thắng thiểu số. Chứ không hẳn đa số là đúng, thiểu số là sai. Trên đời này, giáo chủ của tôn giáo chỉ có một, số tín đồ của tôn giáo đó có triệu triệu, tỷ tỷ. Trong trường học, hiệu trưởng, ban giám đốc và số giáo chức có hạn, trong khi số học sinh thì đông gấp bội. Trong nhà thương, bệnh viện, số bác sĩ và y tá có hạn, trong khi số bệnh nhân thì đông gấp bội. Trong một quốc gia, hay một tổ chức, số người lãnh đạo có hạn, số người tài giỏi lại hiếm hơn, trong khi dân số hay thành viên của tổ chức đó thì đông gấp bội. Số chim quí thì hiếm, trong khi số chim sẻ thì đông gấp bội.

 

Có người nói rằng: con người có theo một tôn giáo, người đó tốt hơn, thiện hơn người không theo tôn giáo nào, đúng không? Đáp: - Không đúng. Không cần theo bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian nào, con người vẫn có thể là người rất tốt, người tử tế, người đàng hoàng, người lương thiện, người cao thượng trong một xã hội, trong một quốc gia hay trên thế gian này. Người có theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng tâm gian xảo, phách lối, ích kỷ, tham lam, sân hận, si mê, không thể gọi là người tốt, người thiện được, dù người đó là tu sĩ hay tín đồ.

 

Nếu theo bất cứ tôn giáo nào mà mê tín, không thấu hiểu và thực hành giáo lý để hoàn thiện bản thân bản tâm, con người sẽ đi tới chỗ cuồng tín, kỳ thị và khinh dể người khác dù cùng tôn giáo, muốn tiêu diệt thế giới không theo tôn giáo của mình. Các cuộc thánh chiến trong lịch sử nhân loại chứng minh điều này. Tệ hơn, trong nội bộ của một tôn giáo, dù có tổ chức hệ thống chặt chẽ, con người vẫn có thể ám hại người lãnh đạo tối cao, để chiếm lấy địa vị tột đỉnh này. Thảm thương thay cho tôn giáo. Hãy khai mở trí tuệ và tâm từ bi để sống đời an lạc và hạnh phúc.

 

Ngày nay, khi những người thực hành tôn giáo lại tham gia vào những tổ chức, hiệp hội với những chức vụ hoàn toàn không phù hợp với người tu hành như Trưởng Ủy Ban này, Chủ Tịch Hiệp Hội nọ, đưa ra chính sách phát triển tôn giáo theo định hướng, đường lối thế tục gì đó, rồi bình luận về thẩm quyền chính trị của Liên Hiệp Quốc, hay nhận xét về việc chính trị của một quốc gia nào đó, họ có vẻ đã quá xa rời mục tiêu và phẩm hạnh của một người tu hành chân chính.

 

Chánh đạo thì giản dị. Khi xưa chánh đạo được lưu truyền tại thế gian đều không có bất kỳ một hình thức tôn giáo nào. Tất cả đều chỉ bằng những lời thuyết giảng và chính đời sống hiện thực đầy đạo hạnh, từ bi của con người chân chánh, thu phục nhân tâm, cảm hóa lòng người. Không hề có những lễ hội, nghi lễ cúng dường ê hề, quỳ sụp, tụng bái, xá lợi cả thúng cả thùng, xác chết còn nguyên hình lộng kính, tượng thánh biết khóc chảy máu, thánh thần hiện ra trên mây, trên ngọn cây, trên vách tường, tạc tượng Phật có gương mặt rất giống nhà sư lãnh tụ trụ trì.

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi xưa giảng về Giới - Định - Tuệ. Những giáo pháp tu tập uyên thâm của Ngài đã khai ngộ thế gian, phá vỡ con đường tu luyện của Bà La Môn giáo qua mọi qui tắc, dùng nghi thức cúng bái, tế thần, lễ lạy Thượng Đế, Thần Linh, thánh thần thiên địa, gạt gẫm thế gian thời đó. Cho nên họ thù hận, phỉ báng và thậm chí một vị đại đệ tử đã bị ám hại trên đường hoằng pháp, giáo hóa chúng sanh. Thật là đáng sợ cho tâm cuồng tín hung tợn của thế nhân u mê, chìm sâu trong bóng tối vô minh, không còn thuốc chữa, không còn có thể quay đầu thấy được ánh sáng chân lý.

 

Chánh đạo coi trọng việc tu hành loại bỏ vọng tâm dục vọng, đề cao chân tâm bản tánh làm căn bản. Nói chung, chánh đạo không quan trọng việc cầu khẩn van xin thánh thần thiên địa, hoặc các hình thức cầu nguyện, lễ bái, lễ hội, thờ cúng hình tượng, tôn sùng thần tượng, qui ngưỡng cá nhân. Người trí tuệ biết thế nào là: y pháp bất nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức. Những thứ nghi lễ, hình thức hữu hình chỉ làm dấy khởi tâm chấp trước của con người, ngụy biện rằng dĩ huyễn độ chơn, lý sự viên dung, làm sao có thể tốt cho việc tu hành loại bỏ tâm phàm. Các chức tước trong hàng giáo phẩm hay tín đồ sẽ sanh tranh giành, chấp trước vào danh vị, quyền lợi, bổng lộc. Các nghi lễ sẽ sanh chấp trước vào vật chất và tâm ngã mạn. Những thứ hữu hình như chùa chiền, tôn tượng, xá lợi, áo mão xanh đỏ tím vàng sặc sở, cân đai lóng lánh, thiền trượng nạm vàng, xâu chuỗi ngọc thạch nạm kim cương lớn nhỏ, dài ngắn, đeo cỗ hay cầm trên tay, sẽ khiến con người tập trung lo việc tu tướng, chú ý vào hình tướng bên ngoài, trông có vẻ thanh tịnh, chuyên nghiệp, mà dần quên mất việc tu tâm dưỡng tánh bên trong, không ngờ tâm mình đang nổi sóng tham lam, sân hận, si mê.

 

Đó không phải là chánh đạo, không phải là cốt tủy, không phải là chân lý, chỉ là hình thức tôn giáo mà thôi. Hình thức tôn giáo chỉ cần cho bá tánh số đông khi mới đến với chánh đạo. Nếu con người cứ tiếp tục chú trọng hình tướng như thế cho đến mãn đời thì con người sẽ xa rời chánh đạo, chồng chất thêm tâm u mê, vô minh càng dầy đặc, tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng, khó mà nhận thấy cốt tủy, khó mà hiểu được chân lý, không thể giác ngộ giải thoát được, phí cả cuộc đời vốn đáng quí, khi sinh ra được làm con người.

 

Những buổi lễ cầu siêu đầy màu sắc, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, chẩn tế cô hốn, trai đàn bạt độ, lễ hội Quán Âm, lễ cúng rước xá lợi, ngày nay trong chánh điện nhà chùa, nào là những cây thông gắn tiền giấy đủ loại dụ dỗ làm tiền, cái tháp cao chót vót đầy chai nước lọc, lon nước ngọt, bánh trái đủ màu sắc, đèn đuốc lung linh, nào là hình nhân thế mạng, nhà lầu xe hơi bằng giấy bồi hàng mã to bằng mẫu thật. Sư Thầy nhận làm lễ khắp nơi nên phải đi máy bay hạng sang, xe gắn máy đắt tiền, thậm chí xe hơi sang trọng có máy lạnh, trên tay khoe chiếc iphone đời mới nhất để tiện liên lạc. Những con người mặc áo nhà tu như thế có mấy ai còn nhớ và thấu triệt giáo lý Giới - Định - Tuệ của đức Phật từng giảng xưa kia. Các tín đồ u mê sẽ bị những nhà sư tu tướng như thế dẫn dắt đi đến đâu, không biết chánh đạo hay tà đạo, chánh pháp hay tà pháp, chánh tín hay mê tín, giác ngộ giải thoát hay trầm luân ràng buộc.

 

Tu hành trong Phật giáo thì trước tiên phải giữ được Giới. Giới cấm hết thảy dục vọng, ngăn ngừa sa ngã, giúp con người không còn chấp trước vào vật chất, danh, lợi, tình, tiền. Muốn tu hành loại bỏ mọi dục vọng, thì không thể mong cầu sự tiện lợi, an hưởng, ngồi trên xe hơi máy lạnh, nghe kinh Phật niệm Phật online, rồi chạy đôn đáo khắp nơi làm lễ cầu siêu, lễ xông đất, lễ trừ tà, lễ khai trương cửa tiệm, lễ hội chẩn tế cô hồn, trai đàn bạt độ, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, để nhận thù lao cho được.

 

Cũng bởi chấp vào hình thức màu mè, lệch lạc, người ta còn tin xá lợi có hình đức Quán Âm, hoặc còn cho tượng đức Quán Thế Âm mặc hẳn áo cưới và giải thích rằng đó là một trong 32 hình tướng của đức Quán Thế Âm. Tôn giáo rơi vào hình thức hữu hình, tạo hình, sẽ tạo điều kiện cho những thứ mới mẻ xâm chiếm, tà pháp xâm nhập, lạc vào tà đạo, khiến việc tu hành xa dần con đường giác ngộ và giải thoát.

 

Làm thế nào để nhận biết được người chân tu thực học

Sách có câu: Tu Mà Không Học Là Tu Mù. Học Mà Không Tu Là Đãy Sách. Học cũng không cần vào chùa. Tu cũng không cần vào chùa. Khắp thế gian này, nơi nào cũng là đạo tràng để con người tu hành, người nào cũng có thể giúp con người thoát khỏi u mê, giúp con người nhận ra chân lý, giúp con người giác ngộ và giải thoát. Các phương pháp hay hình thức tu hành nhằm mục đích giúp con người loại bỏ đi tâm chấp trước, bỏ đi những ràng buộc, không bám víu vào những điều không có ích cho việc tu tâm dưỡng tánh, không bền vững, không lâu dài. Người tu hành chân chánh thật sự sẽ đề cao việc: nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức. Thúc liễm thân tâm từng ngày, từng giờ, từng việc làm, từng lời nói, từng suy nghĩ, tất cả đều phải loại bỏ những tâm xấu ác, bất thiện. Đó là việc con người cần phải quan tâm, không cần biết theo bất cứ hình thức tôn giáo nào trên đời này.

 

Trên thực tế cuộc sống, khó nhận biết, khó nhận xét, khó phán đoán người nào thực sự tu tâm, người nào chỉ tu tướng, trừ khi bản thân của mình có giác ngộ và giải thoát hay không. Tác phong thái độ của người chân tu thực học, chánh tâm cầu đạo, không cần người khác phải kính phục, khen tặng, tán thán, nhìn vào là thấy, không cần nhiều lời hoa mỹ, tâng bốc. Người chân tu thực học, chánh tâm cầu đạo không thể làm những việc buôn thần bán thánh, như kiểu kinh doanh niềm tin của một số người thực hành tôn giáo ngày nay.

 

Tu hành chân chính, chánh tâm cầu đạo, chân tu thực học, không cần theo hình thức tôn giáo. Các hình thức tôn giáo chưa chắc đã là tốt, chưa chắc đã là lợi ích cần thiết. Con người cần sáng suốt, tỉnh táo, phân biệt và nhất là không có định kiến, thành kiến đối với tất cả mọi người chung quanh, và không bị lừa dối bởi những vết nhơ do những kẻ phá hoại tôn giáo đang làm. Từ Bi và Trí Tuệ là hai yếu tố căn bản cần thiết cho tất cả mọi người trên thế gian này, không cần các hình thức tôn giáo xưa nay. []

 

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

VP. PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

 Kính mời tham khảo:

Tu Tướng và Tu Tâm

*** TU TƯỚNG VÀ TU TÂM


 

BUÔNG

 

Buông tất cả sẽ được tất cả 

Buông tham đắm sẽ được tự tại

Buông thù hận sẽ được an lành 

Buông si mê sẽ được sáng suốt

Buông danh lợi sẽ được thanh nhàn

Buông đấu tranh sẽ được bình yên

Buông ích kỷ sẽ được hạnh phúc. 

Buông vọng chấp sẽ được bồ đề.

Buông tất cả,

Niết Bàn Cực Lạc tại thế gian.

 VIÊN PHỤNG


 


AI VÀO ĐỊA NGỤC

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/ai-vao-ia-nguc.html

CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/chanh-tin-trong-ao-phat.html

NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ NHẸ NHÀNG

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/nguoi-biet-tu-phat-thi-rat-nhe.html

LÒNG TIN NGƯỜI CON PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/long-tin-cua-nguoi-con-phat.html

THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/nao-la-that-su-tu-bo.html

TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/07/tinh-than-tu-do-trong-ao-phat.html

TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO

http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/tam-va-tuong-trong-phat-giao.html

No comments:

Post a Comment